Đây là ý kiến của một giáo sư ĐH Stanford nói với những học viên chương trình cao học của mình khi không ai nói mình đã từng thất bại.
Các diễn giả chia sẻ về thất bại của bản thân mình - Ảnh: M.G |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về khởi nghiệp do Trường ĐH Văn Lang tổ chức chiều 1-11, những diễn giả là các startup người Việt nổi tiếng như TS Vũ Duy Thức, TS Lưu Thế Lợi, ThS Văn Đinh Hồng Vũ, ThS Ngô Chí Giang đều cho biết đã từng có thất bại "để đời" trước khi có những thành công như hiện nay.
Đánh giá chưa đúng
Chị Hồng Vũ tốt nghiệp thạc sĩ ngành giáo dục và quản trị kinh doanh ĐH Stanford, từng giữ vị trí trưởng dự án cao cấp của Booz&Company - một trong 4 tập đoàn tư vấn hàng đầu nước Mỹ, là người châu Á đầu tiên làm trợ lý giám đốc Tập đoàn Maersk, là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2018.
Nói về thất bại của mình, chị Vũ cho biết đó là học kỳ thực tập mùa hè đầu tiên khi học cao học, chị nộp hồ sơ nhiều công ty nhưng không những chị không được nhận mà còn không có công ty nào gọi chị phỏng vấn.
"Trong suốt thời gian học, điểm số của tôi luôn rất cao. Thất bại ấy đến từ sự ngông cuồng, coi mình giỏi hơn mọi người trong khi không biết điểm mạnh, điểm yếu của mình. Tôi lại nhớ câu nói của giảng viên khi vào lớp.
Thầy yêu cầu các bạn nói về thất bại của mình. Không cánh tay nào giơ lên. Thầy nói tất cả các em đều thất bại. Thất bại lớn nhất là khi mình chưa từng thất bại. Các bạn đã nỗ lực và chọn cho mình ngưỡng an toàn", chị Vũ nói thêm.
Với những startup nổi tiếng khác, thất bại lại đến từ chính những dự án của họ. Anh Duy Thức tốt nghiệp tiến sĩ ngành công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại ĐH Stanford, đồng sáng lập của nhiều startup công nghệ tại thung lũng Silicon (Mỹ), được vinh danh top 40 người dưới 40 tuổi nổi bật tại thung lũng Silicon năm 2017.
Thế nhưng, anh đã từng thất bại nặng nề khi đưa ra một ứng dụng liên quan mạng xã hội nhưng không có ai dùng sau 6 tháng. Điều anh Thức rút ra đó là đánh giá sai khi ứng dụng chưa xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng.
Tương tự, ThS Nguyễn Chí Giang tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật công nghiệp ĐH Stanford, có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Mỹ đã từng mất hơn 1 triệu USD và 2 năm thời gian với một dự án khởi nghiệp của mình tại Việt Nam. Theo anh Giang, anh đã đánh giá sai thị trường và nhu cầu khách hàng, nguồn hàng, chưa khảo sát trước khi triển khai.
Trong khi đó, TS Lưu Thế Lợi - người tốt nghiệp loại giỏi ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), giành học bổng cho 10 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất châu Á của Microsoft, tiến sĩ ĐH Quốc gia Singapore - thất bại khá sớm. Anh cho biết khi học ĐH, anh từng tham gia nhiều dự án thiết kế phần mềm quản lý trường học.
Sản phẩm của anh sử dụng các công nghệ mới nhưng tính năng không thực sự khác biệt những sản phẩm đã có nên khách hàng không sử dụng. "Phải làm khác biệt, không ai có thể sao chép hoặc đem ra so sánh", anh Lợi rút ra kinh nghiệm.
Dù đã thành công nhưng con đường khởi nghiệp với những người trẻ này cũng từng rất gian nan - Ảnh: M.G |
Khởi nghiệp rất gian nan
Các diễn giả nói trên hiện là đồng sáng lập, giám đốc điều hành nhiều dự án khởi nghiệp được nhiều tập đoàn công nghệ rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, ngoài những thất bại nói trên, để có được thành công như hiện tại họ cho biết con đường khởi nghiệp cực kỳ gian nan. Có đến 95% startup thất bại. Những thất bại đã cho họ những bài học đau nhưng đáng giá.
Chị Vũ hiện là giám đốc điều hành Elsa Speak, được Google đầu tư. Chị chia sẻ khi quyết định khởi nghiệp, chị biết rằng mình sẽ cô đơn và dễ thất bại bởi tỉ lệ thất bại khi khởi nghiệp thường lên đến 95%, người thành công cũng rất gian nan.
"Ngoại ngữ là công cụ giúp tôi đạt được ước mơ nhưng khi học bắt đầu học cao học, tôi rất buồn, mất tự tin vì mình nói người khác không hiểu trong khi ngữ pháp, đọc hiểu của tôi thậm chí tốt hơn người bản địa.
Tôi nghĩ sẽ làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này cho xã hội bởi có nhiều người từng như tôi lúc trước. Khi khởi nghiệp, đừng nghĩ ngay đến giải pháp đầu tiên mà hãy xuất phát từ nhu cầu người dùng để đưa ra giải pháp phù hợp", chị Vũ chia sẻ.
Anh Giang hiện là giám đốc điều hành Everest Education, mô hình giáo dục tiếng Anh với phương pháp cá nhân hóa. Từ thất bại của mình, anh Giang cho rằng cần khảo sát nhu cầu người dùng, khảo sát nhu cầu thị trường về mặt hàng mình dự định làm, nên làm nhỏ thăm dò trước khi đầu tư lớn.
Anh rất thành công với mô hình tương tự tại Trung Quốc nhưng lại thất bại nặng nề ở Việt Nam bởi nhu cầu người dùng và nguồn cung khác nhau.
Cũng với quan điểm này, anh Duy Thức cho rằng hiểu được điểm yếu của mình chính là điểm mạnh cần phát huy. Sản phẩm cần phải đi từ nhu cầu người dùng chứ không phải chỉ từ ý tưởng. Người khởi nghiệp đừng vội phát triển hoàn chỉnh, cứ đưa sản phẩm ra thị trường và lắng nghe phản hồi người dùng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng để giảm thiểu chi phí.
Không làm nhiều việc cùng lúc Một người tham gia tọa đàm băn khoăn liệu nữ khởi nghiệp có khó khăn gì hơn nam hay không. Chị Vũ cho biết khởi nghiệp nam hay nữ đều khó khăn như nhau. Đó là công việc dài hơi. Thành công không được quyết định bạn là nam hay nữ. Mỗi người có một thế mạnh khác nhau. Không phải dân công nghệ không có nghĩa là không thể làm về công nghệ. Mình sẽ tìm những người giỏi ở từng lĩnh vực để cùng mình thực hiện, quan trọng là mình có ước mơ đủ lớn để chứng minh với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nữ có đặc thù hơn nam là mình muốn làm tròn cả vai trò trong gia đình. Do vậy, không nên làm nhiều việc cùng lúc. Nếu có ý định, tốt nhất nên khởi nghiệp trước khi lập gia đình. Làm nhiều thứ cùng lúc rất khó để thành công, nhất là khi khởi nghiệp đòi hỏi sự toàn tâm, toàn trí. |
Minh Giảng (TTO)