Thể thao

Thể thao cộng đồng

Bài toán nào cho bóng đá Đồng Tháp ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Buổi họp do UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn, bất đồng quan điểm giữa Sở VH-TT-DL với Công ty cổ phần bóng đá Đồng Tháp (DFC) vào chiều 23.2 tạm hoãn, khiến tương lai “anh cả” của bóng đá miền Tây lại trở nên mịt mờ.

Đồng Tháp phải sớm gạt nỗi buồn xuống hạng để vì cái chung đoàn kết lại vượt lên - Ảnh: Dương Thu
Đồng Tháp phải sớm gạt nỗi buồn xuống hạng để vì cái chung đoàn kết lại vượt lên - Ảnh: Dương Thu


Mâu thuẫn trùng trùng, rối như canh hẹ

Đội Đồng Tháp (ĐT) tập trung trở lại từ ngày 23.2, nhưng do Sở VH-TT-DL (viết tắt là Sở) và DFC chưa tìm được tiếng nói chung nên đội không có sân tập, phải lên TP.HCM ngày hôm nay để tập huấn tại trung tâm Thành Long. Mâu thuẫn xảy ra khi UBND tỉnh Đồng Tháp giao sân Cao Lãnh để Sở quản lý, nâng cấp chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc 2022. Có thông tin cho rằng Sở muốn lấy lại đội bóng, gom 2 lứa trẻ U.19, U.21 để đầu tư lâu dài và từng bước lên hạng bằng nguồn cầu thủ địa phương. DFC vẫn muốn tự chủ, độc lập trong cách lấy người, dùng người, kể cả thuê nhiều cầu thủ “lính lê dương” để thăng hạng.

Khác biệt gay gắt đến mức xảy ra tranh cãi về quyền “chính chủ” suất hạng nhì giữa lãnh đạo CLB và Sở. Tất cả xuất phát từ khác biệt trong góc nhìn và chiến lược làm bóng đá.


 

Đồng Tháp cần nỗ lực tìm lại vị trí - Ảnh: Dương Thu
Đồng Tháp cần nỗ lực tìm lại vị trí - Ảnh: Dương Thu


Một thành viên CLB ĐT cho biết: “Lãnh đạo CLB đang tìm một HLV trưởng chất lượng và tìm kiếm bổ sung thêm một số cầu thủ giỏi vì nói thật nhiêu đây con người là chưa đủ. Nhưng do những khó khăn nội bộ giữa công ty và Sở nên các cầu thủ được liên hệ đều ngại chưa dám về, họ nói chờ mọi thứ rõ ràng rồi quyết định. CLB ĐT đã có đề xuất xin nhận 11 cầu thủ U.21 ĐT như Hoàng Duy, Hữu Nghĩa, Duy Nam, Minh Trọng, Tấn Tài mà Sở không phản hồi. Đội bóng tập trung lại, nhưng do CLB và Sở không thống nhất được phương án sân bãi nên phải lên Thành Long tập huấn từ ngày 25.2, dự kiến 1 tuần trong lúc chờ lãnh đạo tìm được tiếng nói chung. Bên này nói bên kia không biết làm, đội bóng kẹt giữa 2 bề rất khó xử vì không trách được bên nào, mà cũng không biết nên nghe bên nào”.

Cần tìm lối đi cho “anh cả”

Được biết, Hội đồng phát triển bóng đá ĐT bao gồm đại diện doanh nghiệp, nhà tài trợ, CLB ĐT, Sở VH-TT-DL, Liên đoàn Bóng đá ĐT (DFF)... cùng một số chuyên gia tâm huyết từng gắn bó nhiều năm với bóng đá xứ sen hồng đã có đề xuất 5 điểm gồm: Thanh toán nợ cho đội bóng, Giữ lại toàn bộ cầu thủ và BHL người ĐT, Đề nghị Sở tiếp nhận toàn bộ cầu thủ U.21 ĐT, Mời HLV giỏi về dẫn dắt, Giữ chế độ hạng nhất cho những cầu thủ nòng cốt để làm động lực lên hạng. Tuy nhiên, đến lúc này mâu thuẫn về quan điểm khiến hội đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

 

 Đồng Tháp cần đoàn kết nhìn về cái chung - Ảnh: Dương Thu
Đồng Tháp cần đoàn kết nhìn về cái chung - Ảnh: Dương Thu



Tổng thư ký DFF Vương Thanh Trung cho rằng: “Bóng đá ĐT là truyền thống, niềm tự hào của người hâm mộ. Tuy nhiên nếu 5 năm trước ĐT cần tiền là sẽ vực dậy được thì lúc này chúng tôi không chỉ cần tiền mà còn bị tụt hậu rất nhiều so với cả nước. Trước đây, ĐBSCL xem ĐT là “anh cả” toàn tìm đến nhờ xin HLV, cầu thủ... nhưng nay “binh hùng tướng mạnh” bị chảy máu hết, mô hình đào tạo trẻ đã tụt hậu. Không có tiền dẫn đến tụt hậu mà không bán cầu thủ không được, ít nhất còn thu được một ít trang trải cho đội bóng như xưa ĐT bán Tấn Trường. Vấn đề là tin tưởng nhau về sử dụng nguồn thu như thế nào. Rõ ràng đang tồn tại quá nhiều vấn đề giữa doanh nghiệp và nhà nước. Điều cần làm lúc này là các bên cần ngồi lại hợp lực nguồn tài chính, tạo ra cơ chế, nâng cấp tầm nhìn để giúp bóng đá ĐT khôi phục lại thời vàng son. Tất cả không nên chỉ trích nhau mà phải ngồi lại tìm sự đồng thuận. Muốn phát triển, trước tiên phải đoàn kết với nhau lại đã”.

Theo QUỐC VIỆT (TNO)

Có thể bạn quan tâm