Du lịch

Bài toán xây dựng kinh tế đêm cho du lịch Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để tiếp tục đưa ngành du lịch tỉnh nhà trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng, Bình Định cần phải tập trung xây dựng sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc địa phương.

Trong năm 2023, Bình Định dự kiến sẽ thu hút đạt 5.000.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 21% so với năm 2022 và đạt doanh thu 16.400 tỉ đồng. Đến năm 2025, khách du lịch đến tỉnh ước đạt 8.000.000 lượt, đóng góp 20% GRDP của tỉnh. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, Bình Định cần có những hoạt động, sản phẩm dịch vụ mới để níu chân du khách.

Bình Định dự kiến sẽ thu hút đạt 5.000.000 lượt khách du lịch trong năm 2023. Ảnh: Hoài Luân

Bình Định dự kiến sẽ thu hút đạt 5.000.000 lượt khách du lịch trong năm 2023. Ảnh: Hoài Luân

Hiện nay, tỉnh Bình Định đã và đang có những chủ trương, chính sách cởi mở hơn để thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm từ Trung ương. Đồng thời, các hoạt động, dịch vụ về đêm (giải trí, mua sắm, ăn uống...) đang dần hình thành và phát triển.

Tại TP Quy Nhơn, các tuyến phố ẩm thực trên các tuyến đường Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư, điểm bán hàng xe lưu động Lê Thánh Tôn, điểm Phục vụ giải khát kết hợp quảng bá du lịch tại bãi biển Sea Sand; Phố Văn hóa - Nghệ thuật trên đường Lê Đức Thọ; Chợ Đêm Quy Nhơn… dần thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch checkin tại điểm du lịch Eo Gió. Ảnh: Hoài Luân

Khách du lịch checkin tại điểm du lịch Eo Gió. Ảnh: Hoài Luân

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Bình Định vẫn chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển kinh tế ban đêm, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Sở Du lịch Bình Định cho biết, đa số các doanh nghiệp du lịch ở Bình Định quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, chưa có dự án của nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực vui chơi, giải trí về đêm quy mô lớn nằm tách biệt với khu dân cư để phát triển kinh tế đêm.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cũng cho rằng, nói có kinh tế đêm, song Bình Định thực ra chưa có. Con đường Xuân Diệu trong nội thành Quy Nhơn, chính là khu vực kinh tế ban đêm. Cần chia khu vực Xuân Diệu ra để hình thành nhiều hoạt động văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực, văn hóa truyền thống... Ngoài ra, có thể sử dụng hệ thống văn hóa đường phố, văn hóa trẻ.

Một số hàng quán phục vụ ăn uống kết hợp với du lịch tại TP Quy Nhơn thu hút đông du khách. Ảnh: Hoài Luân

Một số hàng quán phục vụ ăn uống kết hợp với du lịch tại TP Quy Nhơn thu hút đông du khách. Ảnh: Hoài Luân

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là 1 trong 5 trụ cột phát triển của tỉnh nhà. Ngành Du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đầu tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho hay, du lịch Bình Định trở thành một hiện tượng phát triển bùng nổ về du lịch nội địa và du lịch quốc tế, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách, khẳng định được thương hiệu “điểm đến du lịch an toàn, thân thiện” mà nhiều năm qua Bình Định đã xây dựng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để du lịch tiếp tục trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng, địa phương cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường khách du lịch, chú trọng phát triển các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho địa phương đó là làm sao tập trung xây dựng sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc địa phương, hướng đến mục tiêu là trung tâm kết nối du lịch của vùng duyên hải miền Trung.

Có thể bạn quan tâm