Kinh tế

Nông nghiệp

Bàn giải pháp phát triển chăn nuôi heo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 18-3, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi với các tỉnh, thành trên cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên chủ trì tại điểm cầu Gia Lai.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa


Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nêu rõ: Sau thời gian giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo đã phục hồi nhẹ từ năm 2020 và tăng trưởng trở lại vào năm 2021 (đạt 28 triệu con); sản lượng heo hơi đã tăng 3,4-3,5 triệu tấn/năm giai đoạn 2019-2020 lên 3,8-3,9 triệu tấn/năm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi đã dẫn đến nguồn cung thịt trong năm 2020 và đầu năm 2021 sụt giảm mạnh, nhập khẩu thịt heo tăng cao.

Tính riêng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 346 ngàn con heo giống và 143.463 tấn thịt heo từ Nga, Brazil, Mỹ, Đức… Từ cuối năm 2021 đến trung tuần tháng 2-2022, giá thịt heo hơi xuất chuồng dao động quanh mức 54-57 ngàn đồng/kg (tăng khoảng 15% so với thời điểm giữa năm 2021); giá heo hơi giảm còn khoảng 50-53 ngàn đồng/kg ở thời điểm hiện tại. Cũng theo đại diện Cục Chăn nuôi, điểm sáng trong bức tranh ngành chăn nuôi heo hiện nay là sự chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn hay xây dựng mô hình trang trại, chăn nuôi tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Tính đến năm 2021, cả nước đã có 20.843 cơ sở chăn nuôi heo có từ 10 con trở lên với tổng 11,7 triệu con (chiếm 41,6% tổng đàn heo cả nước).

Về sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện nay, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu. Cả nước hiện có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tổng công suất thiết kế đạt 43,254 triệu tấn, tổng sản lượng thực tế đạt 21,895 triệu tấn.

Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Chăn nuôi cũng đề cập đến những khó khăn, thách thức hiện nay mà ngành chăn nuôi heo phải đối mặt như: tác động của dịch bệnh; chi phí đầu vào sản xuất tăng cao; tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường còn bất cập; năng suất sản xuất chăn nuôi heo còn hạn chế; an toàn sinh học yếu và phòng-chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn; chưa phát triển được các thương hiệu heo bản địa, đặc hữu; mức độ cạnh tranh thực phẩm tăng, sức tiêu dùng thịt giảm do dịch bệnh...

Tại tỉnh Gia Lai, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết quý I-2022, tổng đàn heo đạt trên 648.200 con (tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ heo giống ngoại và heo lai tăng nhanh qua các năm, hiện đạt tỷ lệ 90% tổng đàn. Tỉnh đã thu hút được 170 dự án chăn nuôi với tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng; trong đó có 9 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng gần 78.000 con. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 90 trại chăn nuôi theo hình thức liên kết với các công ty. Hiện Gia Lai chưa có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, 100% thức ăn công nghiệp cung cấp cho chăn nuôi đều nhập từ ngoài tỉnh. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lĩnh vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều hộ nuôi heo bị thua lỗ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã đề cập nhiều giải pháp quan trọng giúp ngành chăn nuôi heo vượt qua khó khăn, thách thức. Cụ thể, ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch quỹ đất chăn nuôi; các ngân hàng xem xét tăng dư nợ cho ngành chăn nuôi; sớm hoàn thiện và công bố vắc xin dịch tả heo châu Phi; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ trong chăn nuôi, cụ thể là nghiên cứu lai tạo các giống mới cho hiệu quả và giá trị kinh tế cao, cải thiện thức ăn chăn nuôi, cập nhật công nghệ chăn nuôi hiện đại; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực chăn nuôi.

 

LÊ HÒA
 

Có thể bạn quan tâm