Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Khẩn trương thu hoạch lúa mùa

Vụ mùa năm nay, huyện Kbang có hơn 1.284 ha lúa. Hiện người dân đã thu hoạch 70% diện tích, những diện tích lúa còn lại đang trong giai đoạn chín. Vừa qua, thời tiết mưa gió khiến lúa ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất, công việc thu hoạch của người dân.

img-0280.jpg
Từ tối ngày 5 đến hết ngày 6-11, trên địa bàn huyện Kbang xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa đổ ngã. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Đinh Drâu (thôn 3, xã Kông Bờ La) cho biết: Gia đình có 4 sào lúa ở 2 cánh đồng khác nhau. Mấy ngày qua, mưa liên tục khiến 3 sào lúa đổ nghiêng, 1 sào lúa gần suối đổ bẹp dí như trải thảm. Sợ lúa ngập lâu trong nước dẫn đến hư thối, mọc mầm nên ông đã huy động các con và thuê nhân công đến thu hoạch xong 1 sào vào sáng ngày 7-11. “Tỷ lệ lúa chín mới đạt 50-60%. Nếu không mưa gió khoảng 1 tuần nữa lúa chín rộ, khi đó thu hoạch năng suất cao hơn. Nhưng trong điều kiện thời tiết mưa gió, thu hoạch được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu. Mai tôi kêu máy đến thu hoạch 3 sào lúa còn lại”-ông Drâu nói.

img-0253.jpg
Hộ ông Đinh Drâu (thôn 3, xã Kông Bờ La, huyện Kbang) khẩn trương thu hoạch lúa bị ngập úng, hạn chế thiệt hại. Ảnh: Ngọc Minh

Tại xã Tơ Tung, nông dân ra đồng thu hoạch lúa khi nước vừa rút để tránh lúa bị ngâm nước lâu sẽ mọc mầm, dẫn đến thiệt hại nặng hơn. Ông Nguyễn Hồng Thọ (làng Trường Sơn) chỉ ruộng lúa đổ rạp nói: Vụ mùa này ông gieo cấy 1 ha lúa. Cuối tháng 10 vừa qua, ảnh hưởng của bão số 6 trên địa bàn có mưa dông, nhiều diện lúa của bà con bị ngã đổ. Riêng ông có 6 sào lúa bị ngã đổ phải thu hoạch sớm, năng suất chỉ đạt một nửa. Còn 4 sào lúa giờ mới chín, ông kêu máy đến thu hoạch nhưng máy chưa tới thì mưa ập xuống.

“Mưa liên tục từ tối ngày 5 đến hết ngày 6-11 khiến cả đồng lúa chìm trong nước. Sáng ngày 7, nước vừa rút, vợ chồng tôi tức tốc cắt đám lúa trũng ngập nước rồi bốc lên bờ chờ máy tới tuốt lúa. Lúa đổ không chỉ kéo theo chi phí thu hoạch tăng, mất thời gian, công sức mà còn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Vụ mùa này tôi lỗ nặng”-ông Thọ nói.

lua-bi-do-rap.jpg
Ông Nguyễn Hồng Thọ (làng Trường Sơn, xã Tơ Tung, huyện Kbang) bên ruộng lúa bị đổ rạp. Ảnh: Ngọc Minh

Chủ tịch UBND xã Tơ Tung Hồ Xuân Dương cho biết: Đầu vụ mùa bị thiếu nước nên phần lớn bà con xuống giống muộn nên thu hoạch chậm so với toàn huyện. Đến nay, bà con đã thu hoạch hơn 30 ha/290 ha lúa toàn xã. Diện tích lúa còn lại tập trung ở cánh đồng Đê Ba, Tà Lốp và rải rác ở một số cánh đồng khác. Mưa gió những ngày qua đã làm gần 5ha lúa bị ngã đổ đã được người dân chủ động thuê nhân công, máy thu hoạch xong.

“Trước đó, xã đã chỉ đạo công chức nông nghiệp phối hợp với các thôn, làng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêu úng những đồng lúa, hoa màu có nguy cơ bị ngập nước; đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Bên cạnh đó, qua ra soát, xã có khoảng 1,2 ha mía bị đổ ngã, bà con đã chồng chắng khắc phục”-ông Dương thông tin.

img-0261.jpg
Người dân huyện Kbang khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa, sau khi bị ngã đổ. Ảnh: Ngọc Minh

Khắc phục mía đổ

Cuối tháng 10 vừa qua, ảnh hưởng của cơn bão số 6 gây ra mưa cục bộ, gió mạnh đã làm ngã đổ mía của người dân huyện Kbang. Anh Đào Thanh Hiền (thôn 2, xã Nghĩa An) nói: Tôi có 2 sào mía bị ngã đổ. Sau khi mưa ngớt, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của xã cùng thôn đã nhanh chóng thống kê, hướng dẫn gia đình khắc phục. Vợ chồng tôi đã dựng bó, cột mía đổ lại với nhau. Tôi còn bóc bỏ lá già khô, giảm thiểu đổ ngã và hạn chế sâu bệnh, cây mía phát triển bình thường”.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Trần Ngọc Thạch cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 940 ha mía. Trước đó, ảnh hưởng của cơn bão số 6, xã có 282 ha mía bị đổ ngã nằm rải rác tại các cánh đồng thôn 1, thôn 2, thôn 3 và làng Lơk. UBND xã đã chỉ đạo công chức chuyên môn phối hợp với các thành viên ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã và các thôn, làng nắm tình hình, hướng dẫn nhân dân nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục như: dùng dây cột nâng đỡ đối với các diện tích mía đổ nghiêng.

Với diện tích mía bị ngả rạp xuống đất thì hướng dẫn bà con không dựng cây mía lên ngay, mà tiến hành bóc dọn lá, phát quang gốc để cây mía dễ phát triển trở lại. “Nhờ chủ động phòng ngừa nên đợt mưa vừa qua xã chỉ có một số diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nhẹ”-ông Thạch chia sẻ thêm.

5404c8aba7191f474608.jpg
Người dân xã Nghĩa An, huyện Kbang nhanh chóng cột buộc, khắc phục diện tích mía bị đổ ngã để cây trồng phát triển bình thường. Ảnh: Ngọc Minh

Còn Chủ tịch UBND xã Lơ Ku Trần Xuân Nam thông tin: Ảnh hưởng của mưa gió từ ngày 5 đến 6-11, xã có 1,5 ha hoa màu bị đổ, 1,7 ha lúa và gần 10ha mía bị đổ mức độ nhẹ. Qua ngày sau, tất cả các diện tích lúa ngã đổ được người dân thu hoạch xong, hong phơi tại nhà rông; mía, hoa màu ảnh hưởng không đáng kể”

Theo thống kê sơ bộ, từ tối ngày 5-11 đến hết ngày 6-11, trên địa bàn huyện Kbang xảy ra mưa vừa đến to trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 87-136mm đã làm ngã đổ 7,75ha lúa, 3ha rau màu, 20ha mía; mức độ thiệt hại khoảng dưới 30%; tập trung tại các xã Kông Lơng Khơng, Lơ Ku, Tơ Tung. Hiện các cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương tiếp tục theo rõi rà soát, thống kê diện tích cây trồng, hoa màu bị ngã đổ, thiệt hại.

Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: Trong thời gian diễn ra mưa, phòng thường xuyên liên lạc với các xã, thị trấn nắm bắt tình hình để kịp thời báo cáo UBND huyện. Đến thời điểm này, diện tích lúa vụ mùa người dân đã thu hoạch khoảng 70%. Theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, các địa phương đã tuyên truyền người dân tập trung nhân lực ưu tiên thu hoạch những diện tích lúa bị ngã đổ, khơi thông bờ thửa, kênh mương để tiêu thoát nước tránh ngập, hạn chế thiệt hại.

“Đối với một số diện tích mía bị ngã đổ, các địa phương đã hướng dẫn người dân cột dựng, cây trồng phát triển bình thường không ảnh hưởng lớn đến năng suất. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các phòng, ban chuyên môn tăng cường thực hiện các biện pháp ứng phó với thiên tai"-ông Tình cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm