Kinh tế

Doanh nghiệp

Bán HAGL Agrico, Bầu Đức còn lại gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

ĐHĐCĐ bất thường HAGL Agrico (HNG) kết thúc với thông tin tỷ phú Trần Bá Dương sẽ là Chủ tịch HĐQT công ty và Thagrico trở thành công ty mẹ của HAGL Agrico. Không còn HAGL Agrico, bầu Đức còn lại gì?



Sau hơn 2 năm đầu tư chiến lược vào HAGL Agrico từ tháng 8/2018, tỷ phú Trần Bá Dương chính thức trở thành ông chủ công ty nông nghiệp này thay ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Đây cũng là thời khắc HAGL Agrico bước sang một trang mới và chấm dứt hơn thập kỷ đầy thăng trầm của bầu Đức trong "cuộc chơi" đầu tư nông nghiệp rất táo bạo và đầy mạo hiểm

Kết cục này thực tế không quá bất ngờ và sớm được dự báo, đồng thời cũng không phải là kết thúc, mà có thể xem là mở đầu cho một hành trình mới của hai bên. Trong đó, bầu Đức sau khi thoát "đại nạn" sẽ giữ lại những điều cần giữ và tập trung phát triển.


Người giàu nhất chứng khoán Việt Nam từng gọi tên bầu Đức

Bầu Đức từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm 2008 và 2009, với tài sản khi đó khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng. Vị trí giàu nhất từ 2010 tới giờ thuộc về tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Tuy nhiên, việc sở hữu đội bóng Hoàng Anh Gia Lai cùng dàn cầu thủ vàng 1995 đem lại thành công cho bóng đá nước nhà những năm gần đây giúp cho "đế chế" Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức mặc dù không còn ánh hào quang nhưng vẫn luôn là tâm điểm chú ý của dư luận cũng như giới đầu tư.

Hoàng Anh Gia Lai từng hoạt động trong 7 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất, thương mại và dịch vụ, xây dựng, cây công nghiệp, năng lượng, khoáng sản với hơn 36 công ty con và công ty liên kết tại 5 nước Đông Nam Á.


 

 Bầu Đức từng là người giàu nhất chứng khoán Việt Nam
Bầu Đức từng là người giàu nhất chứng khoán Việt Nam



Việc dàn trải trên nhiều lĩnh vực khiến cho các doanh nghiệp của Bầu Đức kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong thập kỷ qua do thiếu vốn và nhân lực. Bên cạnh đó, cú đảo chiều từ bất động sản và thủy điện sang lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trồng cây cao su đã không được như kỳ vọng. Giá cao su giảm mạnh khiến những tính toán của Bầu Đức không trở thành hiện thực.

Trong cơn khủng hoảng đó, HAGL đã liên tục tái cấu thông qua việc bán nhiều tài sản từ bất động sản, thủy điện cho tới mía đường và hợp tác đầu tư để tập trung cho nông nghiệp.

Mía đường từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” của HAGL trước năm 2014 với xấp xỉ 1.000 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, năm 2017, trước áp lực nợ phải trả hơn 36.000 tỷ đồng, bầu Đức đã phải bán đứt mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá trị khoảng 1.330 tỷ đồng.

Tiếp đó, mảng chăn nuôi bò sữa và bò thịt từng là mũi nhọn của HAGL giai đoạn 2015-2016 cũng bị chuyển nhượng khi biên lãi gộp bò thịt liên tục sụt giảm.

Đến năm 2018, sau cú bắt tay cùng Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, HAGL đã phải bán 35% vốn sở hữu tại HAGL Agrico (công ty nông nghiệp quan trọng nhất) cho Thaco để cơ cấu nợ.

Chưa dừng lại, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng phải bán đứt mảng bất động sản cho Thaco khi chuyển nhượng toàn bộ dự án Hoàng Anh Myanmar với số tiền 8.155 tỷ đồng.

Trong năm 2019, HAGL tiếp tục thoái vốn 6 công ty con trong lĩnh vực cao su và cọ dầu với tổng giá trị 7.627 tỷ đồng. Cuối năm 2019, HAGL của bầu Đức cũng ra phương án thoái vốn 99,4% cổ phần sở hữu tại Công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai (tương đương 248,5 triệu cổ phiếu).


 

Hoàng Anh Gia Lai đã liên tục tái cấu thông qua việc bán nhiều tài sản
Hoàng Anh Gia Lai đã liên tục tái cấu thông qua việc bán nhiều tài sản


Đáng chú ý, việc rút khỏi các mảng kinh doanh kém hiệu quả giúp doanh thu của HAGL gần đây có xu hướng tăng nhưng vẫn lỗ ròng nhiều quý.

Lũy kế 9 tháng, HAGL lỗ hợp nhất trước thuế hơn 701 tỷ đồng. Trong năm 2020, HAGL đặt kế hoạch doanh thu thuần ở mức 5.082 tỷ đồng và lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lỗ 1,809 tỷ đồng của năm 2019.

Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức tiếp tục bị công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn từ 2017 cho tới nay. Một điểm cũng đáng lưu ý là nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền lên tới gần 1.400 tỷ đồng. Cổ phiếu HAG tiếp tục nằm trong diện cảnh báo.

 

 Nguồn: Báo cáo tài chính HAG
Nguồn: Báo cáo tài chính HAG


Báo cáo tài chính của HAGL cho biết, hiện nay tập đoàn này ghi nhận đang đầu tư hơn 6.656 tỷ đồng vào các công ty con. Trong đó, đáng chú ý, ngoài 59 tỷ đồng vào mảng bóng đá thông qua Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai và 99 tỷ đồng vào mảng bệnh viện thông qua Công ty Cổ phần Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, các công ty còn lại đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
"Coi như làm lại từ đầu"

Sau 10 năm thua lỗ và bán tài sản trả nợ, bầu Đức vẫn có khối tài sản cá nhân lớn, thuộc nhóm siêu giàu với khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng chưa vực dậy được doanh nghiệp của mình.

Sự ổn định tương đối trở lại của Hoàng Anh Gia Lai giúp giá cổ phiếu HAG hồi phục. Bên cạnh đó, Bầu Đức vẫn còn giữ lại được vườn cao su rộng lớn lên tới hơn 30 nghìn hecta, dự kiến sẽ được khai thác toàn bộ vào 2022.

Bên cạnh đó, việc để lại HAGL Agrico cho tỷ phú Trần Bá Dương cũng giúp HAGL có thêm nguồn lực để cơ cấu các khoản nợ tại ngân hàng và chuyển đổi một phần diện tích cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, giúp bầu Đức có cơ hội đồng hành cùng HAGL Agrico trở thành Tập đoàn nông nghiệp tầm cỡ châu lục như mong muốn của ông trước đó.

Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức chiều 8/1 tại TP.HCM của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), cổ đông doanh nghiệp thông qua phương án phát hành 741 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico).

HĐQT HAGL Agrico đồng thời bầu ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch. Bầu Đức sẽ giữ vị trí Phó chủ tịch.

Sau khi phát hành thêm cổ phiếu, vốn điều lệ HAGL Agrico tăng từ 11.086 tỷ lên 18.500 tỷ đồng.

 

 Nguồn: Số liệu HNG
Nguồn: Số liệu HNG



Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan Thaco tại HAGL Agrico tăng từ 38,2% lên 62,9%. Ngược lại, nhóm cổ đông Hoàng Anh Gia Lai giảm sở hữu tại công ty nông nghiệp này từ 44,8% xuống còn 26,8%.

Trả lời câu hỏi liệu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có thoái nốt phần vốn còn lại (26,8% cổ phần) và rời bỏ HAGL Agrico, bầu Đức cho biết, "tôi quyết tâm đồng hành cùng anh Trần Bá Dương vì nông nghiệp là tâm huyết do tôi xây dựng nên. HAGL Agrico vẫn hoạt động bình thường sau khi đổi chủ nhưng anh Dương sẽ thay tôi cầm lái công ty".

Tuy nhiên, việc có theo được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, bầu Đức không chủ động được. Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng còn nợ ngân hàng, gặp nhiều vấn đề, khó khăn hơn HAGL Agrico.

Bầu Đức không chia sẻ cụ thể về tương lai Hoàng Anh Gia Lai sau khi không còn kiểm soát HAGL Agrico và hẹn cổ đông sẽ giải đáp vào đại hội thường niên sắp tới.

“Bây giờ không nói trước tương lai được. Đừng bao giờ nói trước điều gì trong kinh doanh. Thành công đừng tự hào, trên thương trường thất bại lúc nào không ai hay”, bầu Đức chia sẻ.

Theo Bầu Đức, Hoàng Anh Gia Lai sắp tới sẽ đi từ từ. "Nếu tập đoàn sinh ra được HAGL Agrico thì cũng có thể tạo ra nhiều công ty con khác, miễn là còn sức khỏe. Hoàng Anh Gia Lai còn làm tiếp, chưa giơ tay đầu hàng. Mình cố gắng từ từ, coi như xóa bài, làm lại từ đầu. Vẫn còn 400 triệu cổ phiếu HAGL Agrico và đội bóng", bầu Đức chia sẻ.

https://danviet.vn/ban-hagl-agrico-bau-duc-con-lai-gi-20210112085440312.htm
 

Theo QUANG DÂN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm