Tại dự thảo lần 2 về sửa Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất 2 phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Phương án 1 là bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình. Phương án 2, theo quy định của pháp luật hiện hành, tức là không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư không có nghĩa là nhà chung cư chỉ có thời hạn từ 50-70 năm, mà có thể dài hơn tùy thuộc vào chất lượng của công trình.
Tuy nhiên, đề xuất về thời hạn sở hữu nhà chung cư vẫn vấp phải phản ứng từ người dân, trái với tâm lý sở hữu tài sản lâu dài của đại đa số cư dân đô thị. Nhiều người dân cho biết giả dụ áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư 50-70 năm nhưng sau thời hạn này, nếu nhà nước thu hồi để chỉnh trang, quy hoạch đô thị thì nên bố trí tái định cư hoặc bồi thường cho dân ngang với giá thị trường.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tại Trung Quốc, chính sách cải tổ nhà đất cho phép người Trung Quốc sở hữu nhà vĩnh viễn, còn phần đất căn nhà đó được xây lên chỉ được sử dụng một thời gian. Vì thế, thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng bị giới hạn theo, thường từ 40-70 năm.
Còn tại Singapore, người dân được sở hữu bất động sản theo 2 hình thức: lâu dài (freehold) và có thời hạn (lease-hold). Hơn 80% dân số Singapore hiện sống trong nhà ở xã hội do chính phủ xây dựng, có thời hạn sở hữu 99 năm.
Tại Thái Lan, tất cả bất động sản đều có thể được mua theo hình thức lease-hold. Thời gian sở hữu thông thường là 30 năm, sau đó phải trả về cho chủ đất, có thể là tư nhân hoặc nhà nước. Ở Mỹ, lease-hold là thỏa thuận giữa người sở hữu đất (chính phủ hoặc tư nhân) và người thuê, việc thuê sẽ có thời hạn tùy thỏa thuận.
Dù vậy, quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư vào nước ta là vấn đề mới, rất cần xem xét thấu đáo và cân nhắc trước khi ban hành. Bởi tâm lý truyền đời của người dân Việt về sở hữu nhà ở, về an cư lạc nghiệp, mái nhà còn có nhiều ý nghĩa thiêng liêng trong quan hệ gia đình, gửi gắm tâm nguyện về sự phấn đấu học hành, thành đạt của các con dưới mái nhà của yêu thương. Thông thường phải cả đời làm lụng vất vả, xoay xở tứ bề, vay mượn, đắp đổi mới có thể mua được căn nhà đầu tiên. Căn nhà là tài sản lớn, là niềm tự hào của lao động, của ý chí và nghị lực, của yêu thương chồng vợ, gia đình. Nếu quy định thời hạn về sở hữu nhà chung cư, nhiều người sẽ có cảm giác hụt hẫng, thiệt thòi; khi về già lại có tâm lý lo lắng, nhất là theo thời gian, căn hộ cũng dần xuống cấp và đô thị phát triển nhanh, những thông tin chỉnh trang liên quan số phận căn hộ trở thành mối bận tâm của chủ sở hữu…
Để người dân không bị hụt hẫng và dần có sự đồng thuận, áp dụng quy định này vào đời sống phải có hệ thống chính sách song hành và sự phát triển xã hội minh chứng cho xu thế sở hữu nhà đất có thời hạn là phù hợp với cuộc sống của cư dân đô thị hiện đại. Lúc đó thời hạn sở hữu nhà chung cư không còn là chuyện quá nặng nề.
Theo HOÀNG HOA (NLĐO)