(GLO)- Ngày 18-8-2014, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành văn bản Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW về công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định công tác nhân sự cấp ủy phải tiến hành đúng nguyên tắc, quy trình, công tâm, khách quan; phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên; chống tư tưởng cá nhân, cục bộ, thiếu tính xây dựng hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Ảnh: Thanh Nhật |
Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời với việc tuân thủ theo quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, ngành, lĩnh vực, kể cả quy hoạch cho các nhiệm kỳ tiếp theo, đồng thời phải chuẩn bị nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đặc biệt trong quá trình chuẩn bị nhân sự, tiêu chuẩn cấp ủy viên phải bảo đảm thực hiện theo quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và theo tinh thần Chỉ thị 36, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị. Những nội dung có tính chất “bất di bất dịch” ấy tất nhiên khi chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới đều đã được nghiên cứu, tiếp thu và thực hiện nghiêm túc.
Tuy vậy, lần này Ban Tổ chức Trung ương vẫn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đó là: Không cơ cấu vào cấp ủy những cán bộ, đảng viên mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị và bản thân của cán bộ; cán bộ vi phạm quy định về tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm; cấp ủy viên trong lực lượng vũ trang còn phải không vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tiêu chuẩn cấp ủy viên được cụ thể hóa như trên là đã quá rõ ràng. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc thực hiện Chỉ thị 03, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và qua các lần kiểm điểm, nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm, lấy đó làm “đáp số”, thước đo mức độ giác ngộ về chính trị, về tư tưởng, đạo đức, lối sống, về tiêu chuẩn chính trị... của mỗi cấp ủy viên tương lai là điều không khó. Vấn đề khó là, như trên, Ban Tổ chức Trung ương đã lưu ý, rằng đưa người vào cấp ủy phải trên cơ sở và về “cơ bản phải thực hiện theo quy hoạch cấp ủy của nhiệm kỳ” này; và, nhất thiết phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chung quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII); phải đúng quy trình làm nhân sự, công tâm, khách quan, chống tư tưởng cá nhân, cục bộ...
Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy mới là trách nhiệm của cấp ủy đương nhiệm, khi làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, tạo ra một cấp ủy khóa mới với các cán bộ, đảng viên là những người có đủ đức, đủ tài, nhiệt huyết với nhiệm vụ, có sức khỏe, có uy tín với nhân dân, với cán bộ đảng viên, là trung tâm tập hợp, đoàn kết nội bộ... thì những nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, nghị quyết đề ra cho nhiệm kỳ mới sẽ được tổ chức thực hiện thắng lợi; còn không thì sẽ ngược lại. Do đó, cùng với việc chuẩn bị nội dung, văn kiện thì cốt lõi của đại hội là nhân sự, không chỉ có “thành công tốt đẹp” trong mấy ngày tổ chức đại hội, mà nó là cả một nhiệm kỳ, cả 5 năm với sự mong đợi của phong trào địa phương, sở, ngành vào một cấp ủy thật sự là tập hợp bộ não, là tri thức của cả đảng bộ vào đó.
Mỗi khi tổ chức đại hội Đảng, bầu cử HĐND các cấp, cùng với việc nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng tỏ rõ tinh thần trách nhiệm góp ý xây dựng, giới thiệu với các cấp ủy những cán bộ, đảng viên có đức, có tài để xem xét bố trí, sử dụng; thì không ít những loại ý kiến “trái chiều”, gây nhiễu thông tin, đơn thư tố cáo, khiếu nại tràn lan, gây ra những ngờ vực cho cấp có thẩm quyền, hao tốn thời gian, công sức để kiểm tra, thanh tra, kết luận. Trong thực tế, có những trường hợp bị tố cáo, khiếu kiện oan, khi có kết luận thì “việc đã rồi”, người có tâm, có tầm lại bị loại, người kém tài, thiếu đức lại được trọng dụng, và hậu quả khôn lường là điều dễ nhận thấy.
Cho nên, cũng cần một mặt chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải tuân thủ nguyên tắc, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, nhưng mặt khác cũng phải loại bỏ những ý kiến không nhằm vào việc xây dựng mà là chủ quan, cục bộ, không công tâm, duy ý chí, thậm chí là gây “tự diễn biến” trong nội bộ... làm mất đi, thui chột người có tài, có đức. Và bàn thêm, nên có chính sách khen và thưởng những người có tâm huyết, giới thiệu cho Đảng những nhân tài; đồng thời phải nghiêm trị thích đáng những kẻ phá bĩnh, gây mất đoàn kết nội bộ, phát tán đơn thư, bôi nhọ người ngay, ủng hộ kẻ gian. Đặc biệt cảnh giác với các loại địch, không loại trừ bọn phản động phá hoại chính trị nội bộ.
Gút lại, việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp cho nhiệm kỳ 2015-2020 sao cho đảm bảo theo yêu cầu của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, là “đảm bảo chất lượng, tính kế thừa, phát triển, có số lượng, cơ cấu hợp lý để lãnh đạo toàn diện; gồm những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”!
Bích Hà