Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Bằng giả và đạo đức công vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sử dụng bằng giả không chỉ làm suy yếu nền hành chính do không đảm đương được vị trí việc làm mà còn đánh mất niềm tin của người dân vào đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước. Dùng bằng giả là để đạt vị trí công việc mà trình độ học vấn thực tế không đảm đương được. Một khi đã đạt được vị trí mới, song trình độ thực sự không có, không đủ, dẫn đến không thể xử lý tốt công việc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở Gia Lai, cứ một thời gian ngắn lại rộ lên việc cán bộ, công chức, viên chức bị phát hiện bằng giả. Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay có đến 4 cán bộ huyện, xã bị phát hiện bằng giả: Cuối tháng 1-2018, ông Rơ Châm Chel-Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ia Grai bị cách chức vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Đầu tháng 6-2018, lãnh đạo huyện Chư Pưh cách chức đối với ông Nguyễn Thanh Đông-Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Nhơn Hòa và ông Huỳnh Anh Linh-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Chư Don về việc dùng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp. Gần đây nhất, ông Lê Kim Khoa-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chư Sê bị tố sử dụng bằng đại học dỏm.

Không chỉ ở Gia Lai mà trong cả nước, việc sử dụng bằng cấp không hợp pháp, nói cách khác là bằng giả, bằng dỏm vẫn tràn lan. Có cầu ắt có cung, tình trạng mua bán bằng giả rao công khai, tiếp thị đến từng số điện thoại, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Người bán không cần giấu diếm, công khai việc làm giả được tất tật các loại từ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, đến bằng THPT, đại học, tiến sĩ... Thực tế nước ta, việc sử dụng bằng giả tràn lan ở nhiều ngành, kể cả trong trường đại học (như tiến sĩ rởm Nguyễn Hữu Tuấn Huy-Trưởng ban Sau đại học Trường Đại học Đông Á , Đà Nẵng).

Bằng giả vẫn còn rao bán công khai mặc dù thời gian qua cơ quan chức năng đã triệt phá khá nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ trên cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Gia Lai. Khách có nhu cầu là có bằng giả, giá khá mềm. Đường dây làm bằng giả của hơn 200 trường đại học, cao đẳng trong cả nước do Lê Hồng Phong (trú tại TP. Hồ Chí Minh) tổ chức với giá bán bằng đại học giả là 4 triệu đồng, bằng thạc sĩ 8 triệu đồng, bằng tốt nghiệp THPT 3 triệu đồng, chứng chỉ từ 1 đến 1,5 triệu đồng, tùy theo loại văn bằng, chứng chỉ khác nhau! Tháng 4-2018, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Nguyễn Thị Hương (64 tuổi, trú tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh), thu giữ 283 con dấu giả của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, trường học trong đó có cả con dấu giả của Cơ quan An ninh Điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP. Vinh, Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tại Gia Lai, năm 2016, Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh triệt phá đường dây tiêu thụ bằng cấp giả trên địa bàn tỉnh, đã phối hợp với Công an các tỉnh bạn khởi tố, xử lý 10 đối tượng, tịch thu trên 22.300 phôi, chứng chỉ, bằng giả đã bán ra tại 42 tỉnh, thành cả nước của đường dây này.

Tình trạng bằng cấp giả tại Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng rất đáng báo động. Tuy nhiên, việc xử lý những người sản xuất và sử dụng vẫn còn nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Những người sử dụng bằng giả thường chỉ bị cách chức, cho thôi chức, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến tiêu thụ hàng hóa giả. Người sản xuất bằng giả thì bị tù vài ba năm, có người còn được hưởng án treo, khi mãn hạn tù... lại tái phạm.

Việc mua bán bằng giả, sử dụng bằng giả ngày càng công khai, thậm chí thách thức pháp luật. Đối tượng mua bằng giả đa số để vào các cơ quan hành chính sự nghiệp, không ai dùng bằng giả trong doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân sử dụng bằng giả có nhiều, song chủ yếu để tìm đường tiến thân mà không cần học hành, do xã hội quá chuộng bằng cấp, dùng bằng giả để lòe bịp người khác. Việc sử dụng bằng giả vào các cơ quan hành chính sự nghiệp gây những hậu họa khôn lường, đặc biệt là vào các ngành cần chuyên môn, kiến thức sâu như Giáo dục và Đào tạo, Y tế. (Năm 2011, Sóc Trăng phát hiện toàn tỉnh có hơn 284 cán bộ sử dụng bằng cấp giả, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo có 107 viên chức. Tại Thanh Hóa, năm 2015 phát hiện 20 cán bộ y tế dùng bằng giả).

Sử dụng bằng giả không chỉ làm suy yếu nền hành chính công vụ do không đảm đương được vị trí việc làm mà còn đánh mất niềm tin của người dân vào đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước. Dùng bằng giả là để đạt vị trí công việc mà trình độ học vấn thực tế không đảm đương được. Một khi đã đạt được vị trí mới, song trình độ thực sự không có, không đủ, dẫn đến không thể xử lý tốt công việc, nên làm qua loa, chiếu lệ làm cho hết ngày chứ không phải xong việc, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Ấy là chưa nói đến tự tìm tòi, sáng tạo, học tập để phát huy tốt hơn vị trí đảm nhiệm là khó có thể làm được.

Thiết nghĩ, nhân việc tinh giản biên chế, xác định lại vị trí việc làm, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn với những trường hợp sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả. Khi phát hiện bằng giả thì người dùng, ngoài việc bị xử lý trách nhiệm như hiện nay, nên chăng cần truy thu các khoản tiền lương, thu nhập đã trả cho họ trong thời gian nắm giữ vị trí công tác do sử dụng bằng giả có được. Sự tổn hại về mặt uy tín, đạo đức của bằng giả mà công chức, viên chức đó để lại cho nền hành chính quốc gia là không thể đo đếm được, nên cần thiết phải lượng hóa mức bồi thường khi sử dụng bằng giả.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm