Du lịch

Hành trang lữ hành

Bảng lảng Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi trong chuyến đi thực tế sáng tác đã đến với mảnh đất xa xôi Kon Pne của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Chiều mùa hè nhưng đường vào nơi ấy thật mát mẻ. Hai bên đường mướt mải một màu xanh của cây rừng được tắm gội qua những cơn mưa đầu mùa đem đến cho mọi người cảm giác dễ chịu, sảng khoái. Tâm hồn ai cũng phơi phới khi được hòa mình vào thiên nhiên.

Chỉ duy nhất một con đường dẫn vào xã. Tôi từng nghe để làm con đường này đã tốn bao mồ hôi công sức và cả máu của những công nhân cầu đường xuyên rừng bạt núi. Giờ đây, nhờ con đường mới mà khoảng cách đến với Kon Pne được rút ngắn hơn.

Đường dẫn vào trung tâm xã Kon Pne được đổ bê tông phẳng lì. Hai bên đường đầy những bụi hoa dại vẹn nguyên sức sống hoang sơ: xuyến chi trắng muốt, cỏ hôi tim tím, ngũ sắc rực rỡ. Chúng tôi dừng bên vạt hoa nhẹ rung trong gió, tâm hồn cũng muốn đùa vui theo hoa lá đung đưa.

Tác giả trên cầu treo ở Kon Pne. Ảnh: Mai Hương


Từ xa, chúng tôi đã thấy một ngôi làng nơi lưng chừng núi. Ai cũng háo hức muốn vào để thăm thú, tìm hiểu. Đường vào làng phải đi qua một con suối. Đã vào mùa mưa nhưng nước không lớn lắm, chảy róc rách qua những hòn cuội nhỏ. Bắc qua suối là cây cầu treo sàn lát gỗ duyên dáng. Cầu nhỏ chỉ dành cho người đi bộ và đi xe máy. Cảm giác dập dềnh mỗi khi có xe đi qua. Cây cầu như một điểm nhấn hợp lý khiến cảnh vật trở nên thơ mộng hơn.

Đường vào làng hơi dốc, ai cũng mỏi gối chồn chân nên dừng bước nơi một quán nhỏ nghỉ ngơi. Thì ra đây là quán của một cặp vợ chồng từ dưới Bình Định lên mở bán hàng cho dân làng. Trước sân quán còn đặt một cái máy xay xát lúa. Chúng tôi ngồi một lúc thì có hai cô gái cõng theo bao lúa đến để xát gạo, chủ quán hẹn sáng mai tới lấy. Anh mời chúng tôi ăn chuối, thứ chuối rẫy rất ngọt mà anh mua lại của người dân. Họ có thu hái được gì thì bán lại cho anh, kể cả những thứ được coi là đặc sản của rừng như nấm linh chi cổ cò hay mật ong. Mọi thứ đều đảm bảo hàng thật 100%.

Từ quán nhỏ nhìn lên phía trước mặt, chúng tôi đã thấy rất gần những ngôi nhà sàn nằm quây quần bên nhau như những chú gà con. Cổng làng được rào bằng tre, tuy sơ sài nhưng là dấu hiệu để ngăn người lạ bước vào khi chưa có sự cho phép của dân làng. Đó là điều khiến tôi thấy thú vị khi nhớ đến làng Kông Hoa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, đúng kiểu làng Bahnar xưa kia. Còn bây giờ, ở nhiều buôn làng Tây Nguyên, đất ở cũng được chia lô, nhà nhà bám sát mặt đường như những khu dân cư trên phố.

Vốn sinh sống với người Jrai ở huyện Krông Pa đã lâu, tôi quen với những ngôi nhà dài “như một tiếng chiêng ngân”. Nhưng những ngôi nhà sàn của người Bahnar ở Kon Pne lại mang đến cho tôi sự thú vị riêng. Đó là những ngôi nhà sàn tương đối thấp, cách mặt đất chỉ 60-80 cm, độ dài khoảng 4-5 m, chiều ngang cũng gần bằng chiều dài. Tôi có cảm giác nhà sàn nơi đây trông như những hộp diêm xinh xắn. Đặc biệt, vách nhà sàn ken dày khít rịt phủ một lớp va ni vàng óng ả đem lại vẻ đẹp cho ngôi nhà. Khí hậu Kon Pne mát mẻ nên mỗi bụi hoa trước nhà đều mướt rượt, bung sắc rực rỡ.

Hoàng hôn dần buông cũng là lúc dân làng từ rẫy về nhà. Trên con đường nhỏ, một cặp vợ chồng già đeo gùi, sau lưng là nắm rau rừng cho bữa tối, đi bên cạnh là chú chó chạy loăng quăng, chốc chốc lại vụt lên phía trước rồi quay lại chờ đợi. Một chàng trai đi đôi ủng, tay cầm rựa, vai đeo túi vải sải bước về làng. Một cô gái nhìn còn trẻ lắm địu một em bé đang say ngủ. Một bé trai tầm 6 tuổi nhìn tôi với ánh mắt ngơ ngác như muốn hỏi: Cô từ đâu đến? Khung cảnh thật yên bình trong buổi chiều tắt nắng. Sau một ngày dài, mọi người đều nhanh bước để về với tổ ấm gia đình.

Đến với Kon Pne, chúng tôi thật may mắn khi được thưởng thức bữa cơm dân dã với gà đồi, cá suối, rau rừng ở cái quán nhỏ duy nhất của xã chuyên phục vụ các đoàn khách phương xa. Đĩa gà luộc vàng ươm chắc thịt thơm ngon được điểm thêm vài sợi lá chanh xanh xanh. Cá suối kho quẹt thêm vài trái ớt hiểm cay xè kích thích vị giác.

Tôi ấn tượng với đĩa rau dớn xào tỏi. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn loại rau rừng đặc biệt này dù khi trước biết đó là một loại thực phẩm xanh cứu đói cho bộ đội thời chống Mỹ. Rau dớn cũng là biểu tượng trang trí trên nóc nhà rông của người Bahnar. Theo lời chị chủ quán, rau dớn tươi hái về rửa sạch, chần qua nước sôi rồi vớt ra để ráo. Khử dầu với tỏi giã dập rồi cho rau dớn vào đảo đều 5 phút, nêm gia vị vừa ăn là có món rau ngọt, thơm và giòn sần sật phảng phất hương vị núi rừng.

Kon Pne với tôi vừa như lạ lẫm, vừa như thân quen. Núi đồi trập trùng. Con người được trải lòng cùng thiên nhiên bao la. Nơi xa kia là những khu rừng với bao điều mà chúng tôi chưa thể khám phá. Tôi nghe như tiếng vọng từ đại ngàn thâm sâu gọi về. Kbang bây giờ là nơi còn rừng nhiều nhất của tỉnh, có cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Màn đêm buông xuống, chiếc xe 16 chỗ lại chở chúng tôi về thị trấn Kbang. Đêm tĩnh mịch, chỉ có ánh đèn pha của xe rọi đường. Anh lái xe đi chầm chậm cẩn trọng qua từng khúc cua. Trong xe tắt hết điện. Bất chợt vầng trăng hạ tuần chan hòa tỏa ánh sáng dịu dàng khắp núi rừng.

Ai đó trong xe thốt lên: “Mảnh trăng cuối rừng”.

Cả xe như lặng đi trước khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên. Trong lòng tôi bất giác bồi hồi nhớ lại hình ảnh thấm đẫm chất thơ mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết về cô thanh niên xung phong tên Nguyệt, về tuyến đường Trường Sơn một thời khốc liệt nhưng cũng đầy lãng mạn mà cô đã bám trụ.

Giờ đây, chúng tôi cũng đang đi trên con đường đầy ánh trăng soi xuyên qua những cánh rừng già. Nhưng đó là con đường của bình yên và hạnh phúc. Con đường mở ra bao điều tốt đẹp đến với bà con vùng “ốc đảo” một thời Kon Pne.
 

MAI HƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm