Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Bangladesh áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Báo Prothom Alo của Bangladesh cho biết ít nhất 97 người đã thiệt mạng khi bạo lực do biểu tình bùng phát trở lại tại Bangladesh trong ngày 4/8. Tình hình hỗn loạn buộc Chính phủ nước này phải áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc.
Một cảnh sát bị thương khi đụng độ với người biểu tình ngày 4/8. Ảnh: Reuters

Một cảnh sát bị thương khi đụng độ với người biểu tình ngày 4/8. Ảnh: Reuters

Trong số những người thiệt mạng có14 cảnh sát. Bạo loạn đã xảy ra sau các cuộc biểu tình ôn hòa tại thủ đô Dhaka, khi hàng nghìn người xuống đường kêu gọi Thủ tướng Bangladesh từ chức và đòi công lý cho hơn 200 sinh viên đã thiệt mạng trước đó.

Các cuộc biểu tình của sinh viên vào tháng trước bắt đầu bằng yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ mà họ cho là phân biệt đối xử. Theo hệ thống này, 30% số việc làm được dành cho gia đình của những cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh chống lại Pakistan năm 1971.

Các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa nhưng sau thành bạo loạn khi sinh viên Đại học Dhaka đụng độ với cảnh sát và các nhà hoạt động của một nhóm sinh viên thuộc đảng Liên đoàn Awami cầm quyền vào ngày 15/7, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng trong bối cảnh gia tăng phẫn nộ về tình trạng bạo lực mặc dù Tòa án Tối cao của nước này đã cắt giảm hạn ngạch việc làm dành cho gia đình của những cựu chiến binh xuống còn 5% để xoa dịu làn sóng phản đối.

Các cuộc biểu tình đã trở thành một thách thức lớn đối với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, người đã trở lại nắm quyền nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp vào tháng 1 trong một cuộc bầu cử bị các đối thủ chính của bà tẩy chay.

Thủ tướng Sheikh Hasina phải ban bố tình trạng giới nghiêm trên toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 6 giờ ngày 4/8. Bangladesh cũng tuyên bố nghỉ lễ trên toàn quốc kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Hai (5/8).

Tình hình an ninh phức tạp khiến nước láng giềng Ấn Độ thúc giục công dân không nên tới Bangladesh cho tới khi tình hình lắng dịu.

Có thể bạn quan tâm