Còn nhớ, ngay sau vụ bạo loạn chính trị xảy ra vào đầu tháng 2-2001 ở các tỉnh Tây Nguyên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Báo Gia Lai nghiên cứu tổ chức xuất bản báo ảnh bằng tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ công tác tuyên truyền. Trong thời gian ngắn nhất, Ban Biên tập Báo Gia Lai đã tập hợp đội ngũ, tham khảo ý kiến của các cán bộ có kinh nghiệm, nghiên cứu lập phương án làm báo ảnh và nhanh chóng làm tờ trình đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép in ấn phẩm báo ảnh để đáp ứng công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngày 21-6-2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định giao cho Báo Gia Lai tổ chức xuất bản Báo ảnh Gia Lai bằng 3 ngữ: Kinh, Jrai và Bahnar. Mỗi tháng ra 2 kỳ, khổ báo 28 cm x 41 cm, gồm 4 trang, in offset 4 màu trên giấy couche láng. Báo xuất bản vào các ngày 15 và 30 hàng tháng, số lượng 3.500 tờ/kỳ, phát hành đến tất cả các thôn, làng, trường học, điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh.
Thực ra, việc in và phát hành báo đến đồng bào dân tộc thiểu số không phải vấn đề mới. Từ những năm trước giải phóng, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chỉ đạo ngành Tuyên huấn in báo (in li-tô) để phục vụ công tác dân vận. Sau năm 1975, ngành Giáo dục tỉnh cũng đưa song ngữ Việt-Jrai vào giảng dạy cho học sinh tiểu học là con em đồng bào dân tộc Jrai. Song song đó, đội ngũ giáo viên dạy các lớp song ngữ cũng được đào tạo, bồi dưỡng bài bản và được hưởng chế độ đặc thù khi đứng lớp. Báo Gia Lai trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, hàng tuần cũng bố trí 1/4 trang báo in chữ Jrai. Đây chính là những tín hiệu khả quan ban đầu làm nền tảng cho Báo ảnh Gia Lai sau này.
Cán bộ xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) thường xuyên đọc Báo ảnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Việc xuất bản Báo ảnh Gia Lai kịp thời là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, làm việc ăn ý, nhịp nhàng, trình độ tay nghề vững của những người làm báo ảnh, bởi với 4 trang, lại sử dụng đến 3 ngữ đòi hỏi việc bố trí nội dung trên các trang báo phải bảo đảm tính khoa học, không chỉ phản ánh những sự kiện quan trọng khá kịp thời mà còn phải bảo đảm tính thẩm mỹ. Trung bình mỗi số báo đăng 15-20 ảnh, gồm các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, xã hội, kỹ thuật, công nghệ… Do đó, việc lựa chọn ảnh báo chí đáp ứng được yêu cầu về nội dung, thể loại, thời sự luôn được chú trọng. Thời gian đầu, khâu bình bản chưa thể làm trực tiếp trên máy vi tính như bây giờ mà phải cặm cụi dàn trang, sắp sửa và chú thích từng bức ảnh trước khi đưa đi in.
Liên tiếp trong 4 năm đầu tiên, Ban Biên tập thường xuyên cử cán bộ, biên tập viên, phóng viên kết hợp trong những chuyến công tác xuống các địa phương trong tỉnh kiểm tra việc phát hành báo ảnh. Trong quá trình khảo sát, nắm bắt ý kiến phản hồi của cán bộ thôn, làng và đồng bào các dân tộc ít người trên địa bàn, Ban Biên tập và các cán bộ, biên tập viên, biên dịch viên nhận thấy tờ báo bước đầu đã phát huy tác dụng rất tốt, nhất là trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; về việc hướng dẫn đồng bào tìm hiểu về ổn định đời sống, cách sử dụng đất đai hiệu quả, theo dõi nắm bắt thị trường nông sản…
Sau 5 năm xuất bản, nhận thấy hiệu quả trong việc chuyển tải các nội dung tuyên truyền của Báo ảnh Gia Lai đối với đồng bào Jrai, Bahnar, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý cho Báo Gia Lai tăng kỳ. Ngày 10-3-2006, Cục Báo chí (Bộ Văn hóa-Thông tin) đồng ý cho tăng từ 2 kỳ lên 3 kỳ/tháng, 4 trang, phát hành vào các ngày 10, 20 và 30 hàng tháng. Sau đó, ngày 3-1-2008, tiếp tục cho tăng lên 4 kỳ/tháng, phát hành vào các ngày thứ hai rồi sau đó là thứ sáu hàng tuần. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển của Báo ảnh Gia Lai trong tiến trình phát triển chung của Báo Gia Lai. Hiện nay, báo phát hành đến các thôn, làng và các chi bộ làng dân tộc thiểu số trong tỉnh với số lượng trên 3.000 tờ/kỳ. Nội dung của báo ảnh có bước cải tiến, phát triển mới phù hợp với tình hình thời sự của địa phương. Đặc biệt, các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng của tỉnh, báo tăng trang và thể hiện rõ chủ đề trên từng ấn phẩm.
22 năm, bao công việc mà các thế hệ làm Báo ảnh Gia Lai đã trải qua, trong đó có cả những kỷ niệm vui buồn. Với tôi, người được Ban Biên tập tín nhiệm giao nhiệm vụ phụ trách ấn phẩm ngay từ số đầu tiên là một niềm vinh dự, tự hào và cũng đầy thử thách. Được sự hỗ trợ mọi mặt của Ban Biên tập và các thành viên trong cơ quan, nhóm làm báo ảnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chúng tôi không quên sự cộng tác tích cực của các vị cố vấn ngôn ngữ đã góp phần làm nên thành công của tờ báo ảnh nay đã rời xa cõi tạm như: nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ, Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Biên dịch viên-Phát thanh viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Kim Tương...
Từng ấy thời gian đã qua, nhìn tờ báo ảnh hôm nay có thể khẳng định rằng, cùng với các ấn phẩm khác của Báo Gia Lai, việc xuất bản Báo ảnh Gia Lai thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh đối với đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar đang sinh sống trên địa bàn. Báo ảnh không chỉ là công cụ tích cực bảo tồn chữ viết của người dân tộc bản địa, không để bị mai một mà còn đưa chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức, kỹ năng về canh tác, y tế, bảo vệ đời sống… kịp thời đến với người dân. Hy vọng rằng, trong giai đoạn sắp tới, những người làm Báo ảnh Gia Lai không ngừng đưa tờ báo song hành cùng với nhịp đập phát triển đi lên của địa phương.