Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Báo động tình trạng sạt lở tại xã Ia Khươl

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mỗi khi mùa mưa đến, người dân làng Tơ Ver và làng Ia Klên (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) lại bất lực đứng nhìn ruộng, rẫy của mình bị dòng nước cuốn trôi. Người dân ở đây cho rằng, việc khai thác cát quá mức ở những con suối trên địa bàn xã và vùng lân cận khiến dòng chảy thay đổi đã dẫn tới tình trạng trên.

Để mục sở thị tình trạng sạt lở, ông Hleo (Trưởng thôn Tơ Ver) và ông Nhéo (Trưởng thôn Ia Klên) dẫn chúng tôi đi dọc theo 2 con suối mà người dân địa phương thường gọi là Đak Chơi và Đak Ong. Đây là những nhánh suối nối liền với con suối lớn Ia Ver chảy quanh khu vực các xã Hà Tây, Ia Khươl, Đak Tơ Ve. Theo người dân, chỉ riêng chiều dài mà 2 con suối này chảy quanh diện tích đất sản xuất của 2 làng khoảng hơn 2 km, là nơi cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng của 2 làng.

 

Những vực sâu được tạo ra sau những trận mưa. Ảnh: L.A
Những vực sâu được tạo ra sau những trận mưa. Ảnh: L.A

Vào thời điểm này, khi những cơn mưa đã ngớt, mực nước trên các con suối đã xuống thấp và cũng trở nên hiền hòa hơn. Tuy nhiên, dấu tích của những lần sạt lở đất sau đợt mưa lớn thời gian qua vẫn còn nguyên vẹn. Tại đây, 2 con suối lấn sâu vào những ruộng lúa, rẫy mì và hoa màu của người dân. Nhiều điểm sạt lở tạo nên những vực sâu 2-4 m và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Nhéo-Trưởng thôn Ia Klên, bức xúc: “Ngày trước, 2 con suối này chỉ rộng 2-3 m. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, khi tình trạng khai thác cát diễn ra, 2 con suối này năm nào cũng bị sạt lở, lấn sâu vào đất sản xuất của dân làng và đến nay đã rộng đến 10-20 m. Không chỉ bị mất đất sản xuất mà việc lấy nước tưới cũng gặp khó khăn nên năng suất lúa rất thấp, có nơi còn mất trắng vì không có nước tưới”.

Qua tìm hiểu được biết, có hơn 170 hộ dân canh tác ở khu vực này với diện tích hơn 100 ha, chủ yếu là trồng lúa, hoa màu. Tuy nhiên, gần 5 năm trở lại đây, ngoài hàng chục héc-ta đất bị sạt lở thì hơn phân nửa diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang hoặc trồng theo kiểu được chăng hay chớ. Do dòng suối bị đào sâu hơn so với mặt ruộng nên lớp đất mặt theo dòng nước cuốn trôi xuống suối hết, chỉ còn trơ lại lớp đất cằn. Chỉ tay về phía rẫy mì bị sạt lở một phần, ông Hleo-Trưởng thôn Tơ Ver, cho biết: “Ngày trước, chỗ này tôi trồng lúa nhưng hiện nay đã chuyển qua trồng mì. Trồng để giữ đất thôi chứ năng suất không được bao nhiêu vì đất bạc màu. Nhiều gia đình còn bỏ hoang”.

Cả 2 làng Tơ Ver và Ia Klên hiện có 264 hộ, trong đó có 64 hộ nghèo và 68 hộ cận nghèo. Cũng vì không thể sản xuất trên diện tích đất dọc theo 2 con suối Đak Chơi và Đak Ong nên nhiều người phải đi làm thuê. Được biết, người dân đã nhiều lần phản ánh vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng tình hình vẫn không có gì tiến triển. Trao trổi với P.V, ông Rơ Châm Chê-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl, cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. Tuy nhiên, xã đang tổng hợp thêm số liệu từ các làng khác để báo cáo cụ thể cho UBND huyện trong thời gian tới”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm