Kinh tế

Doanh nghiệp

Bao giờ chấm dứt điệp khúc "Được giá mất mùa, được mùa mất giá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi mưa vừa dứt, Tây Nguyên vào mùa thu hoạch nông sản. Cà phê chín đỏ, trĩu cành chờ người thu hái. Mì trên nương dưới thung củ đã căng tròn, bắt đầu no tinh bột. Trên các ruộng mía, màu xanh mướt ngày nào giờ chuyển dần sang xanh thẫm, báo hiệu đã đến kỳ khai thác. Lúa đã vàng rực trên đồng. Các vườn hồ tiêu trái cũng chuyển từ xanh sang chín đỏ. Điều lúc lắc quả... Những ngày cuối năm, người Tây Nguyên bận rộn, tất bật với đồng áng, với nguồn thu chính trong năm.

Năm nay, nông dân Tây Nguyên vào mùa vui buồn lẫn lộn. Vui vì cà phê tăng giá lên 40.000 đồng đến 42.000 đồng mấy ngày nay 45.000 đồng/kg, cao hơn đầu vụ năm ngoái gần 10.000 đồng/kg. Giá mủ cao su cuối năm đã nhích lên, mỗi tấn tăng gần chục triệu đồng so với đầu năm, đạt 37.900.000 đồng/tấn ngày 20-11. Với giá này, các công ty cao su đã cắt lỗ, có lãi. Cuối tháng 11, các nhà máy đường ở An Khê, Ayun Pa vào vụ ép mía, giá thu mua nguyên liệu mía năm nay tại Gia Lai dự báo là ngang bằng hoặc nhích hơn năm ngoái. Hạt điều đang có giá cao kỷ lục.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không ít nông sản đang đà xuống giá, như giá hồ tiêu ngày 20-11 chỉ còn khoảng 132.000-135.000 đồng/kg, giảm 50.000-70.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá mì tươi cũng giảm đáng kể còn 1.400 đồng/kg và đang có chiều hướng giảm.

Cà phê, mặt hàng chủ lực của Tây Nguyên sở dĩ năm nay được giá có nguyên nhân từ tổng sản lượng giảm do mất mùa. Tây Nguyên vừa qua trải qua đại hạn, các loại cây trồng, nhất là cà phê, hồ tiêu, mía bị thiệt hại nặng. Không ít gia đình trắng tay do cây trồng chết khô. Giá cao vì năng suất, sản lượng giảm nên tổng thu nhập của hầu hết người dân không tăng. Vì thế được giá vẫn khiến nhiều người không vui do thiên tai đã cướp đi công sức và nguồn thu nhập đáng kể của họ.

Điệp khúc “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại với nông sản nước nhà, trong đó có Tây Nguyên là vì đâu? Sao rất hiếm khi nông dân vừa được mùa, được giá? Nhiều người phá bỏ cây trồng đang mất giá để theo cây trồng “hot” hoặc tập trung đầu tư, chăm sóc nông sản đang có giá,  năm sau sản lượng tăng lên, thế là giá rớt. Cái quy luật khắc nghiệt này cứ lặp đi lặp lại, nông dân không lý giải được.

Các sản phẩm nông sản chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su... chủ yếu phục vụ xuất khẩu, hàng năm mang về nhiều tỷ đô la cho tài chính nước nhà. Thế nhưng hầu hết các mặt hàng này xuất thô, giá trị gia tăng rất thấp, người dân phải bán 15 tấn mía, gần nửa tấn cà phê nhân và hơn nửa tấn mủ cao su khô mới mua được cái điện thoại Iphone 7 cân nặng có vài lạng. Các mặt hàng nông sản chủ lực ở Tây Nguyên hiện vẫn do các nhà kinh doanh nước ngoài thu mua và chi phối giá. Giá trị gia tăng từ các mặt hàng này, lợi ích thu được không nằm trong túi các ông chủ người Việt.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, gắn với vùng nguyên liệu nhưng cho đến nay, ngoài ngành mía đường có nhà máy thu mua chế biến mía và cũng chỉ sản xuất đường thô, các mặt hàng còn lại như cà phê, hồ tiêu, cao su tỷ lệ chế biến sau thu hoạch đạt rất thấp. Việc bảo quản nông sản sau thu hoạch dựa hẳn vào sự thất thường của thời tiết nên chất lượng nông sản luôn phập phù. Không có nhà máy chế biến là tổn thất lớn cho người sản xuất nông sản.

Chúng ta không chủ động được đầu ra của các mặt hàng nông sản mà lệ thuộc nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài, khiến cho giá cả bị khống chế, điều tiết theo toan tính của họ-các nhà kinh doanh nông sản điều tiết được thị trường cung cầu toàn thế giới. Họ thấy sản lượng tăng cao thì điều tiết cung giảm, bằng cách hạ giá thu mua; khi sản lượng giảm thấp, họ phải điều tiết giá tăng để kích cung cho năm sau, đảm bảo thị trường không thâm hụt, gây khủng hoảng cầu.

Một khi thương gia nước nhà chưa tham gia được vào “nhóm làm thị trường toàn cầu” thì khó hy vọng nông dân ta không lệ thuộc giá, thoát quy luật được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Vấn đề thông tin thị trường hàng hóa, những dự báo và khuyến nghị về thị trường toàn cầu cho nông dân rất cần được tổ chức bài bản và thấu đáo. Một khi người nông dân biết được tổng sản phẩm hàng hóa cung-cầu trên thế giới, hiện tại cũng như lâu dài; biết được sản phẩm họ làm ra phân phối vào thị trường nào, các mặt hàng nông sản ấy được làm ra bao nhiêu sản phẩm, đầu ra của nó trong siêu thị ra sao, nghĩa là biết rõ đích đến cuối cùng của hàng hóa mình làm ra thì lúc đó người nông dân mới thoát khỏi nỗi buồn ngay trên đồng ruộng của mình.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm