Xã hội

Bảo hiểm thất nghiệp: "Điểm tựa" của người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 12 năm đi vào cuộc sống, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người lao động ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc làm mới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.
Nhiều quyền lợi
Ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Theo Điều 57 Luật Việc làm năm 2013, mức đóng BHTN hàng tháng của người lao động là 1% tiền lương tháng và người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương. Chính sách BHTN có hiệu lực từ năm 2009. Theo đó, người lao động tham gia BHTN khi bị mất việc làm sẽ được hưởng một số quyền lợi như: trợ cấp thất nghiệp (TCTN); hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề để tìm việc làm mới...
Về thủ tục làm hồ sơ hưởng TCTN, người lao động chỉ cần mang quyết định nghỉ việc, sổ bảo hiểm xã hội, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm hồ sơ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Trung tâm sẽ trình Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng TCTN cho người lao động. Danh sách quyết định hưởng TCTN của người lao động được gửi qua Bảo hiểm xã hội tỉnh chi trả và Bưu điện tỉnh thực hiện phát tiền đến người lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Mức hưởng TCTN của người lao động hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công hàng tháng có tham gia BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng TCTN là 3 tháng nếu đóng đủ BHTN 12 tháng đến dưới 36 tháng; 6 tháng nếu có đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng; 12 tháng nếu có đủ từ 144 tháng đóng trở lên.
Bà Nguyễn Thị Tuyến-Phó Trưởng phòng BHTN (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) cho hay: “Với phương châm “giải quyết đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian”, người lao động chỉ cần có đủ hồ sơ, thủ tục thì có thể được hưởng TCTN. Trong thời gian hưởng TCTN, người lao động còn được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí và thông báo tình hình tìm việc làm mới với Trung tâm. Ý nghĩa nhân văn của chính sách BHTN là giúp người lao động khi mất việc vượt qua khó khăn trong cuộc sống và sớm trở lại thị trường lao động”.
Giúp người lao động vượt khó
Những năm qua, chính sách BHTN thực sự trở thành “điểm tựa” của người lao động, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn khi không may bị mất việc làm. Ông Trần Thanh Hải thông tin thêm: Việc triển khai chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Điều đó cho thấy chính sách BHTN đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người lao động và doanh nghiệp. Nhờ đó, số người lao động tham gia đóng BHTN năm sau luôn cao hơn năm trước.
Để hỗ trợ người lao động tại các địa bàn khó khăn trong quá trình đi lại, ngoài bố trí điểm tiếp nhận, giải quyết chính sách BHTN tại Văn phòng, Trung tâm còn mở 2 điểm giao dịch tại huyện Chư Sê (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Chư Sê) và thị xã An Khê (địa điểm đào tạo Trường Cao đẳng Gia Lai).
Công ty 715 tuyên truyền chính sách BHTN cho lao động dân tộc thiểu số. Ảnh. Đinh Yến
Công ty 715 tuyên truyền chính sách BHTN cho lao động dân tộc thiểu số. Ảnh: Đinh Yến
Anh Nguyễn Văn Hai (SN 1988, trú tại thôn 9, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Tôi làm công nhân Công ty International Formatter TP. Hồ Chí Minh được hơn 1 năm. Sau khi nghỉ việc, tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm thủ tục hưởng TCTN. Với hơn 1 năm tham gia đóng BHTN nên tôi được hưởng TCTN 3 tháng (5,7 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, tôi còn được cán bộ Trung tâm tư vấn học nghề. Tôi thấy nghề lái xe phù hợp với khả năng nên đã chọn. Phí học nghề lái xe hạng C là 10 triệu đồng, chính sách BHTN hỗ trợ 5 triệu đồng. Trong lúc thất nghiệp mà được chính sách hỗ trợ như vậy làm tôi rất vui”.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện chính sách BHTN vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Theo đó, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đối với người lao động chưa đúng quy định, dẫn đến quá trình giải quyết hồ sơ khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động về quyền lợi được hưởng TCTN còn hạn chế, bởi đa phần họ chỉ quan tâm đến khoản TCTN mà chưa chú ý đến quyền được tư vấn, giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống sau này. Mặt khác, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm chưa có văn bản hướng dẫn nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
“Với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chính sách BHTN tại địa phương, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh đa dạng hình thức tuyên truyền để người lao động nắm rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHTN”-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhấn mạnh.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ ngày 1-1-2010 đến 30-11-2020, Trung tâm tiếp nhận hơn 33.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo BHTN. Trong đó,  32.300 người được hưởng TCTN; 33.559 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; hơn 1.000 lao động quay lại thị trường làm việc; 155 lao động nhận hỗ trợ học nghề (tối đa 6 tháng, mỗi tháng được hỗ trợ 1 triệu đồng).
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm