Thời gian cho một nỗi buồn là bao lâu? Tôi không có câu trả lời chính xác, nhưng chừng nào nỗi buồn còn âm ỉ, chừng đó chúng ta còn biết nâng niu, trân quý những bình yên đời thường. Vết sẹo thời gian có lẽ là thứ duy nhất không cần giải phẫu thẩm mỹ bởi theo năm tháng nó sẽ nhạt phai, tan nhòa hoặc cũng có thể nó cứ hiện hữu tỏ mờ trong cuộc đời. Né tránh hay chạy trốn, sớm thôi, nỗi buồn sẽ quay lại gặp ta cho bằng được. Cho nên, rốt cuộc thì đối diện với nó như đối thoại với chính lòng mình, thật vững vàng, mạnh mẽ và bình tâm, nỗi buồn rồi có lúc sẽ buông trôi.
Trong tôi, cảm thức về nỗi buồn và cái đẹp của cuộc sống luôn song hành, xuyên thấm và dung chứa. Cuộc đời càng nhiều mong muốn, mưu cầu, càng có nhiều thất vọng đổ vỡ, càng nhiều yêu thương càng muốn giữ chặt hoặc bị đánh mất. Nhưng trong lương tri sâu thẳm, có lẽ con người dù buồn vẫn mong điều tốt đẹp, thánh thiện hằng tồn. Nó cắt nghĩa sâu sắc vì sao càng buồn người ta càng muốn hướng đến cái tốt đẹp như một sự cứu chuộc, gột rửa, cân bằng. Và, ta sẽ nhận ra sâu sắc hơn giá trị của những buồn đau, mất mát trong cuộc đời.
Xét cho cùng, mọi thứ có thể thay đổi được khi ta còn sống, riêng chỉ có sự mất mát, chia lìa của cái chết là vĩnh quyết. Nên, nó đau buốt nhất, âm ỉ nhất, tựa như một ngọn lửa thiêng, rực rỡ trong ánh hồi quang da diết, ám ảnh. Tôi không hiểu sao, khi thời gian trôi đi, xuyên qua tháng năm, có lúc ngồi tựa lưng bên mộ người thân, nhìn tàn nhang rơi trong chiều nghĩa trang, giữa tịch mịch thinh không gió vi vu thổi quện hương trầm, lòng cũng không còn chút sợ hãi, âu lo, chỉ thấy bình yên bên người đã đi xa mãi, tựa như một sự dịu xoa, một liều thuốc giảm đau mà khi còn sống, tự nhiên ta sẽ cảm nhận và hướng về.
Nếu nói một người không có thời gian để buồn, cơm áo gạo tiền và hiện thực cuộc sống không cho phép buồn, có lẽ là vì người ấy chưa thực sự ý thức sống sâu vào bên trong, chăm sóc, tưới tắm tâm hồn đang cằn khô của mình. Bởi, sống làm sao không khỏi lúc buồn và cũng bởi biết buồn, người sẽ nâng niu hơn lúc vui vầy, hạnh phúc, biết tha thứ bao dung cho những lỗi lầm, đổ vỡ, biết mở lòng chấp nhận ngay cả những khúc khuỷu, quanh co của cuộc đời. Nếu nói có những nỗi buồn không sao khỏa lấp hay buông bỏ được, điều đó hẳn nhiên khi ta buộc phải chạm vào những mất mát yêu thương thiêng liêng, nhưng chính trong tận cùng nỗi đau đó, yêu thương sẽ tự tìm về, vỗ về an ủi trái tim đau khổ. Bởi, bản chất của niềm thương là thế, dù người không còn nhưng giá trị của yêu thương vẫn hiện hữu, không ai thương ta mà muốn ta mải chìm đắm trong buồn đau, tuyệt vọng.
Cuộc sống có biết bao lấp lánh nụ cười và giọt nước mắt đan xen, ta còn có thể làm gì nếu không nghĩ đến những điều tốt đẹp trong lúc bế tắc nhất. Chỉ mong, buồn đau đến trước, vỡ ngộ theo sau và an yên sẽ tìm về. Hóa giải nỗi buồn có lẽ cũng chỉ có thể là con đường đó không khác được. Bao lâu một nỗi buồn? Phải chăng câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào cách ta sống và đối diện, cách ta biết yêu thương bản thân mình và những người xung quanh, cách ta nghĩ về những nỗi buồn đã qua trong vô vàn những khoảnh khắc nỗi buồn sẽ chạm vào thực tại.
“Xin cho tôi được buồn chút thôi/Ngày mai sẽ khác, sẽ lại thấy hàng cây rất xanh, sẽ lại thấy ngọn gió rất trong lành/sẽ lại thấy trời xanh rất rộng”… (Ngày mai sẽ khác). Tôi đã nghe ca sĩ Lê Hiếu thể hiện bài hát ấy trong một phút giây tình cờ, nhưng với tôi nó không hề ngẫu nhiên. Lời bài hát có lẽ không chỉ dành riêng cho những trái tim rạn vỡ vì tình, mà còn nhắn nhủ, vỗ về cho cả những người đã đi qua giông tố, tuyệt vọng, buồn đau đời mình. Qua cơn bão lòng, cuộc sống hằng thường vẫn là nơi ta phải tìm về, như một quy luật và mưu cầu tất yếu. Bao lâu một nỗi buồn, mãi mãi sẽ chẳng có một đáp án cho tất cả, mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình nếu biết kiếm tìm.
Như một lẽ tự nhiên, biết buồn sẽ tự biết chữa lành. Như cây vẫn cần ánh sáng để xanh, lá vẫn cần gió lay để xạc xào và người sống phải biết buồn để biết yêu thương hơn.