Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tích cực sưu tầm hiện vật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm bổ sung hiện vật cho kho cơ sở, phục vụ công tác trưng bày nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan học tập, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, những năm qua, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tích cực khảo sát, sưu tầm hiện vật và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Thị xã An Khê là địa bàn cư trú lâu đời nhất của người Kinh trên đất Tây Nguyên. Ngay từ những năm cuối thế kỷ XVII, những nhóm người Kinh đầu tiên đã lập 2 ấp Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhị. Do vậy, trong đợt sưu tầm năm 2019, tổ công tác của Bảo tàng tỉnh đã chú trọng vào nhóm hiện vật dân tộc học và hiện vật lịch sử gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người Kinh ở vùng này. 
Được sự giúp đỡ, chỉ dẫn của lãnh đạo địa phương, qua khảo sát tại 2 xã Xuân An, Cửu An và phường An Phú-nơi cộng đồng người Kinh sinh sống lâu đời nhất, tổ công tác đã phát hiện khá nhiều tài liệu hiện vật phản ánh nét văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân nơi đây như công cụ lao động liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp: máy quạt thóc, cối giã gạo, cối đá xay bột, giáo đi săn, lưới đi săn... hay những “bộ đồ nghề” của các ngành thủ công nghiệp như: khuôn làm bánh, dụng cụ làm bánh tráng truyền thống, bộ dụng cụ nghề mộc, bộ dụng cụ nghề rèn được sử dụng phổ biến vào thế kỷ XIX và XX.
Đặc biệt, trong quá trình khảo sát, tổ công tác phát hiện một số sắc phong, giấy xác nhận công trạng, giấy tờ đất đai thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại hiện còn được lưu giữ tại các dòng họ thôn An Khê và thôn Cửu An xưa. Đây là nguồn tư liệu thành văn rất quý để nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng đất An Khê, đặc biệt là quá trình buổi đầu người Kinh lên lập nghiệp nơi đây.
Sưu tầm hiện vật dân tộc học tại xã Cửu An (thị xã An Khê). Ảnh: Huỳnh Bá Tính
Sưu tầm hiện vật dân tộc học tại xã Cửu An (thị xã An Khê). Ảnh: Huỳnh Bá Tính
Việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử của địa phương, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhân dân. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu sưu tầm vẫn còn một số khó khăn như: kinh phí dành cho sưu tầm và trao đổi hiện vật còn hạn hẹp; cán bộ làm công tác sưu tầm không có nhiều cơ hội tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ; nguồn tài liệu hiện vật, nhân chứng lịch sử liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng qua thời gian khai thác cũng gần như cạn kiệt...
Để làm tốt công tác nghiên cứu sưu tầm, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục chú trọng sưu tầm hiện vật gốc, hiện vật liên quan đến lịch sử văn hóa đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là nhóm hiện vật của cư dân Jrai và Bahnar. Đồng thời, đẩy mạnh sưu tầm nhóm hiện vật của các dân tộc nhập cư hiện đang còn thiếu như: hiện vật người Kinh vùng An Khê, Pleiku; hiện vật của các dân tộc phía Bắc sinh sống ở huyện Kbang, Chư Prông, Đak Pơ, Ia Grai...; phiên âm dịch nghĩa các tài liệu Hán-Nôm; thực hiện giao lưu hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học với các bảo tàng trong nước, các cơ quan, viện nghiên cứu trung ương và địa phương.
HUỲNH BÁ TÍNH

Có thể bạn quan tâm