Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bảo tồn di sản phải gắn với lợi ích cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm tỏa sáng như hôm nay là minh chứng cho sự thành công của việc gắn lợi ích cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Chiều 7-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tiên phong trong ngoại giao văn hóa
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết suốt 2 thập kỷ qua, Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp nên đã bảo tồn nguyên vẹn và ngày càng phát huy tốt giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Toàn bộ hệ thống đền tháp, nhà cổ và hệ sinh thái được bảo tồn nguyên vẹn, bảo đảm tính chân xác của di sản, góp phần tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách tham quan. Nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đa dạng tại Hội An, Mỹ Sơn cũng phục hồi và phát huy giá trị. Các ngành du lịch, dịch vụ phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đưa Quảng Nam vào top những địa phương tự cân đối ngân sách và có đóng góp cho cả nước.
Cho rằng mình may mắn khi được làm việc ở quốc gia hiểu biết rõ về giá trị UNESCO như Việt Nam, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh các giá trị này đã được quan tâm và ưu tiên ngay cả trước khi có sự xuất hiện của UNESCO. Việt Nam đã đi tiên phong trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa. Do đó, UNESCO và các cơ quan trung ương đã thống nhất trong thời gian tới, UNESCO đề ra những giải pháp "tham vọng" hơn để thúc đẩy cơ hội truyền thông với bạn bè thế giới, rằng di sản văn hóa có thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững. Di sản và phát triển có thể thúc đẩy, cộng hưởng chứ không phải đối đầu.
 Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam (phải) trao thư cảm ơn và quà lưu niệm cho các tổ chức, cá nhân có công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Quảng Nam
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam (phải) trao thư cảm ơn và quà lưu niệm cho các tổ chức, cá nhân có công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Quảng Nam
Toàn xã hội cùng vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng thực tiễn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An 20 năm qua đã chứng minh rằng nhất thiết phải có một chiến lược căn cơ, lâu dài với quan điểm nhất quán là quản lý và bảo tồn di tích, di sản phải gắn liền và bảo đảm lợi ích của cộng đồng. Trên hết, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhân dân, trong đó vai trò của nhân dân hết sức quan trọng.
"Mối quan hệ, gắn kết này được đặt trong những nguyên tắc, chủ trương, chính sách, định hướng phát triển; phải làm rõ được trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan; đồng thời gắn chặt với ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng, từng người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cũng có nghĩa là phải luôn chú ý gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng" - ông Sơn nhìn nhận.
Theo ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, bộ mặt Mỹ Sơn ngày một thay đổi, đời sống cộng đồng từng bước nâng lên, người dân ngày càng gắn trách nhiệm với di sản. Đó là thành tựu từ việc UBND huyện Duy Xuyên trong nhiều năm qua đã triển khai đồng bộ một số giải pháp: làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương; đẩy mạnh công tác giáo dục di sản trong học đường; tuyên truyền giá trị của Mỹ Sơn cũng như các chính sách pháp luật liên quan đến người dân và du khách; gắn trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi với cộng đồng địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cho biết việc gìn giữ và phát triển tài nguyên khu sinh quyển là một quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, chính xác và sự vào cuộc đầy trách nhiệm của toàn lực lượng trong xã hội. Quan trọng hơn hết là làm thế nào để danh hiệu khu sinh quyển đem lại lợi ích cho người dân, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững TP Hội An.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu cũng như những đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong hàng chục năm qua để Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm có thể tỏa sáng như hôm nay.
Tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đã trao tặng bằng khen của Chủ tịch nước cho 13 nghệ nhân ưu tú của tỉnh Quảng Nam có công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Dịp này, 5 tập thể và 6 cá nhân cũng được bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng bằng khen; 549 cá nhân và 128 tập thể được nhận bằng khen, thư cảm ơn và quà lưu niệm của UBND tỉnh Quảng Nam. 
Chủ tịch luân phiên CLB các di sản thế giới
Tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An sáng 7-9, CLB các Di sản Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2018-2019 và kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ 2019-2020. CLB các Di sản Thế giới tại Việt Nam được thành lập năm 2013, đến nay đã tổ chức 6 hội nghị luân phiên. Dịp này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã đồng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của CLB các Di sản Thế giới tại Việt Nam.
Theo thống kê, lượng khách tham quan lưu trú tại Hội An trong năm 2018 ước đạt gần 5 triệu lượt, doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 266 tỉ đồng. Tính đến tháng 6-2019, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đón gần 960.000 lượt khách, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tại di tích Mỹ Sơn, lượt khách đến tham quan đạt 287.000 lượt, tăng 5,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Q.Luật
TRẦN THƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm