Du lịch

Tin tức

Bảo tồn Di sản Văn hóa phi Vật thể 'Lễ hội đền Tranh'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một trong những nét đặc sắc của lễ hội Đền Tranh là lễ rước nước vào sáng sớm 19/3, trước khi bước vào lễ khai hội, buổi chiều là các nghi Lễ tế Quan, tế Mẫu và lễ Mộc dục.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trao Quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh là điểm du lịch. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trao Quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh là điểm du lịch. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Ngày 19/3, Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ khai hội Đền Tranh, Xuân Giáp Thìn 2024 và công bố quyết định công nhận di tích Đền Tranh là điểm du lịch cấp tỉnh.

Lễ hội thu hút đông người dân và du khách thập phương về dự, làm lan tỏa những nét đẹp của Di sản Văn hóa phi Vật thể quốc gia.

Việc công nhận di tích Đền Tranh là điểm du lịch cấp tỉnh nhằm tiếp tục bảo vệ, phát huy và làm giàu thêm những di sản văn hóa đã tồn tại hàng ngàn năm trên mảnh đất Ninh Giang, Hải Dương; giới thiệu với du khách thập phương về một điểm đến lý tưởng, điểm du lịch văn hóa tâm linh; về mảnh đất, con người Ninh Giang góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Giang, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, cho biết về giá trị văn hóa phi vật thể, Đền Tranh còn bảo lưu được nhiều trầm tích văn hóa với rất nhiều các sự lệ trong năm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Đền thờ Quan lớn Tuần Tranh - hàng quan lớn trong hệ Tứ phủ thuộc tín ngưỡng Đạo Mẫu. Trước Cách mạng tháng 8/1945, mỗi năm vào tháng 2 và tháng 8 là các kỳ lễ hội chính, ngoài ra còn có Lễ Tiệc quan ngày 25/5 Âm lịch.

Ngày lễ trọng của kỳ lễ hội thứ nhất là ngày 10/2 Âm lịch, tương truyền kỷ niệm ngày sinh của Quan lớn Tuần Tranh; lễ trọng của kỳ lễ hội thứ 2 là ngày 22/8 Âm lịch, kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo - người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ thứ 13.

Các sự lệ và lễ hội trong năm tại Đền Tranh thể hiện ước vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của cộng đồng nhân dân tại địa phương.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa tại đền Tranh và di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Tranh đã làm sống lại những giá trị văn hóa nghệ thuật của một vùng quê văn hiến có bề dày lịch sử lâu đời, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đại diện lãnh đạo trung ương và tỉnh Hải Dương dâng hương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Đại diện lãnh đạo trung ương và tỉnh Hải Dương dâng hương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Một trong những nét đặc sắc của lễ hội Đền Tranh là lễ rước nước vào sáng sớm 19/3, trước khi bước vào lễ khai hội. Buổi chiều là các nghi Lễ tế Quan, tế Mẫu và lễ Mộc dục.

Đền Tranh tọa lạc tại xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo quyết định số 2114/QĐ-BVHTTDL ngày 25/3/2009. Lễ hội truyền thống Đền Tranh được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 781/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2022.

Ngày 21/12/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương có Quyết định số 3110/QĐ-Ủy ban Nhân dân công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm là điểm du lịch.

Theo Quyết định, đơn vị quản lý điểm du lịch là Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm và các tổ chức, cá nhân có liên quan bảo vệ, giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Giang ban hành quy chế, nội quy quản lý và khai thác điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch, Luật Di sản và các văn bản có liên quan; xây dựng nội dung thuyết minh, các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu điểm du lịch địa phương nhằm phát huy giá trị di tích…

Lễ hội Đền Tranh năm nay diễn ra trong 3 ngày 19/3 và 23-24/3 (tức ngày 10/2 Âm lịch và ngày 14-15/2 Âm lịch).

Trong hai ngày 23-24/3 sẽ diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đập niêu, bắt chạch trong chum, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, pháo đất, kéo co và các môn bóng bàn, bóng chuyền hơi, múa rối nước.

Tại lễ hội, huyện Ninh Giang tổ chức nhiều gian trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương.

Có thể bạn quan tâm