Với sự phong phú và giàu bản sắc, di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất. Mặc dù đã có nhiều quan tâm của Nhà nước, nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài.
Khó khăn và thách thức.
Lễ hội đền Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Hiếu |
Những giá trị DSVHPVT truyền thống vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng ở từng vùng, miền, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc riêng. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ. Đơn cử như ở tỉnh Phú Thọ, mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử, nơi khởi nghiệp 18 đời Vua Hùng với các loại hình DSVHPVT nổi tiếng như: hát Xoan, Ghẹo, Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Chàm thau, Đâm đuống, múa Tùng dí. Vùng Trung Bộ có: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, diễn trò Kiều, hò, vè, hát ru, nghệ thuật Bài Chòi… Tục thờ Mẫu - hầu đồng - chầu văn là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo và đã được UNESCO công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại...
Tuy nhiên, theo Ths Phạm Văn Phê (Trường đại học Văn hóa Hà Nội), do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, nhiều DSVHPVT đang bị pha tạp và dần mai một. Thậm chí nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hằng ngày bị thất truyền, số còn lại cũng đang ở tình trạng không có điều kiện sản xuất, bị sức ép cạnh tranh rất lớn. Các tài liệu, tư liệu đề cập từng lĩnh vực lưu giữ không nhiều, số còn lại đang nằm rải rác, chưa có điều kiện sưu tầm, tập hợp. Những nghệ sĩ, nghệ nhân am tường chuyên môn đã lớn tuổi...
Mặc dù việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT từng bước đã được thể chế hóa, nhưng từ chủ trương, chính sách cho đến việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khoảng cách, khâu chỉ đạo điều hành chưa có sự thống nhất cao. Nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn khó khăn. Bên cạnh đó là những thách thức không dễ một sớm một chiều có thể giải quyết được, vì lâu nay mối quan tâm của chúng ta mới chỉ dừng ở các DSVHPVT mà chưa quan tâm đến chủ thể sáng tạo nó. Nhiều ý kiến cho rằng đó là sáng tạo của nhân dân mà chưa ý thức đầy đủ khởi thủy sáng tạo, lưu truyền, lưu giữ, trao truyền các DSVHPVT từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc sưu tầm, nghiên cứu còn có vai trò của các nghệ nhân. Phát huy vai trò nghệ nhân trong cộng đồng là công việc cần thiết, phải duy trì thường xuyên, nhưng đáng tiếc chúng ta làm chưa tốt.
Đồng bộ nhiều giải pháp
GS, TS Lê Hồng Lý (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: những vấn đề về chính sách, con người, nhà đầu tư, các tổ chức xã hội và cộng đồng, nhất là các tổ chức quốc tế... đều là những bộ phận quan trọng trong việc phát huy những giá trị của các DSVHPVT được UNESCO công nhận. Để bảo tồn và phát huy DSVHPVT một cách căn cơ, giải pháp nhận thức là quan trọng nhất. Vì từ nhận thức được giá trị, vai trò của di sản văn hóa này, chính cộng đồng sẽ biết phải làm gì để bảo tồn và phát huy. Trong những trường hợp cá biệt, chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản là một cộng đồng cư dân, thì ý chí, khát vọng, nhu cầu, thậm chí lợi ích của họ cũng có tác động không nhỏ đến sự tồn vong của DSVHPVT, bởi chính họ là nhân tố quyết định những DSVHPVT nào cần được sử dụng và khai thác nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn ở lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, có kế hoạch hoàn chỉnh, xác định những mốc thời gian cụ thể. Có chính sách thỏa đáng, quan tâm hơn nữa các nghệ nhân để họ truyền dạy cho cộng đồng những di sản còn lưu giữ được trong tâm thức. Biết cách khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới. Giữ gìn truyền thống văn hóa trong gia đình, trong làng, bản, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình. Đặc biệt chú trọng đến tiếng nói của các chủ thể văn hóa, bảo đảm quyền của họ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Mặt khác khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu DSVHPVT. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị DSVHPVT đặc sắc, mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống. Nên học tập cách làm ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của các nước đã có kinh nghiệm và điều kiện đi trước.
Ngoài ra, yêu cầu có tính cấp bách là phải chọn lọc được đội ngũ làm công tác kiểm kê, quản lý DSVHPVT giỏi chuyên môn, am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào ở khắp mọi miền Tổ quốc. Bởi điều quan trọng đối với việc phát huy những DSVHPVT là làm cho di sản ấy “sống” giữa cuộc đời, như chính bản chất của nó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng mãi là tài nguyên phong phú, là sản phẩm du lịch lợi thế của nhiều địa phương.
Phạm Phường (Nhân Dân)