Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bảo vệ di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Cần đề án tổng thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (25-11-2005), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được chủ thể di sản nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị. Tuy nhiên, bảo tồn ra sao để giữ lại những giá trị cốt lõi và không tách rời với nhịp đập đời sống, để dựa vào di sản mà phát triển là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay.

 

Ngày 28-3-2006, UNESCO đã chọn TP. Pleiku để trao bằng công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại (đến năm 2008, tên gọi này chính thức đổi thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây là vinh dự lớn đối với tỉnh Gia Lai-nơi có số lượng cồng chiêng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên với 5.655 bộ (số liệu kiểm kê năm 2008).

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Từ đó đến nay, tại Gia Lai có thêm một số sự kiện lớn liên quan đến cồng chiêng rất đáng chú ý như “Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng 5 tỉnh Tây Nguyên” năm 2007, Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 và Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Những sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc tế và khu vực này một lần nữa khẳng định giá trị đặc biệt của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đã khẳng định: “Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh gìn giữ không gian này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên. Tôi tin rằng, không ai làm tốt hơn việc này bằng đồng bào của mình ở đây, những chủ thể đích thực của di sản độc đáo này”.

 Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC



Hơn 1 thập kỷ qua, cộng đồng các dân tộc bản địa Gia Lai, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đã chung tay thực hiện các chính sách, biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản cồng chiêng. Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: Ngoài vai trò của chủ thể di sản, ngành Văn hóa đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp, chương trình hành động để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn. Đánh giá kết quả sau gần 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, từ tháng 3-2020, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã triển khai cho các địa phương kiểm kê cồng chiêng với quy mô lớn nhất để có chiến lược bảo tồn hợp lý. Trước đó, năm 2008, Sở đã tổ chức điều tra, kiểm kê cồng chiêng một cách toàn diện.

Kết quả cho thấy, số lượng cồng chiêng còn lưu giữ ở Gia Lai chiếm phân nửa của toàn Tây Nguyên. Nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức để phát huy, quảng bá rộng rãi giá trị độc đáo của di sản như tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực phía Đông tỉnh với sự tham gia của 8 huyện, thị xã (năm 2011); mở các lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho học viên là người Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh. Người truyền dạy là các nghệ nhân chỉnh chiêng tài năng, uy tín, có nhiều kinh nghiệm, được cộng đồng công nhận. Năm 2017, Sở đã mua 7 bộ cồng chiêng cấp cho các làng không còn cồng chiêng. Đặc biệt, qua 2 lần xem xét, tỉnh ta đã có 23 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Đây là sự ghi nhận kịp thời đối với những “báu vật nhân văn sống” đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Nhiều năm qua, các hội thi, liên hoan cồng chiêng được tổ chức mỗi năm 1 lần ở cấp huyện, 3 năm 1 lần ở cấp tỉnh, riêng liên hoan cồng chiêng thanh thiếu nhi được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Ngoài ra, sự hình thành ngày càng nhiều đội chiêng nữ, chiêng “nhí” ở các địa phương tham gia vào hoạt động lễ hội cho thấy không gian văn hóa cồng chiêng đã và đang được cộng đồng quan tâm gìn giữ, phát huy.

Gia Lai hiện có 2 nhóm người Bahnar và Jrai đang sinh sống ở Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Họ là những sứ giả văn hóa có trách nhiệm giới thiệu những giá trị độc đáo của di sản thông qua các hoạt động tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, biểu diễn cồng chiêng... Những hoạt động này ít nhiều tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, quảng bá giá trị di sản tới đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế.

Bảo vệ di sản trong bối cảnh đương đại

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho rằng, kết quả đạt được chính là sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội, từ đó có sự quan tâm thực sự tới giá trị di sản và cùng hành động để bảo vệ. “Vấn đề là sau 15 năm được công nhận là di sản thế giới, Không gian văn hóa cồng chiêng vẫn chưa có một chính sách bảo vệ tổng thể từ trên xuống. Gia Lai có nhiều chính sách khuyến khích bảo tồn, phát huy giá trị đặc biệt này nhưng mới chỉ ở những chỉ thị, công văn chưa đủ mạnh mà cần có đường hướng phát triển rõ ràng, cần có đề án được đưa vào nghị quyết đại hội Đảng hoặc được HĐND phê duyệt để công tác bảo tồn có thể “vịn vào mà đi”-ông Tuệ cho biết.

Khuyến khích người dân duy trì, tổ chức các lệ hội tại cộng đồng là một trong những cách làm để bảo vệ và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Minh Châu
Khuyến khích người dân duy trì, tổ chức các lễ hội tại cộng đồng là một trong những cách làm để bảo vệ và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Minh Châu



Lấy ví dụ như tỉnh Đak Lak có Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2007-2010” được HĐND tỉnh thông qua và giao cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện, đã đạt được những kết quả khả quan. Từ kết quả của đề án, HĐND tỉnh Đak Lak tiếp tục thông qua đề án bảo tồn giai đoạn 2012-2015. Cùng với đó, tỉnh này cấp kinh phí để tổ chức truyền dạy, mua sắm cồng chiêng, truyền thông, quảng bá... Theo ông Tuệ, Gia Lai rất cần một chính sách tổng thể như vậy để đặt Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào một giai đoạn bảo vệ mới trước nhiều tác động, thách thức hiện nay. “Để bảo tồn, không chỉ hô hào mà cần thực hiện một cách bài bản. Một đề án tổng thể sẽ “danh chính ngôn thuận” để bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng một cách đồng bộ, khả thi. Lâu nay, công tác này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các địa phương, cấp kinh phí tới đâu thì thực hiện bảo tồn tới đó. Ngay sau đợt kiểm kê cồng chiêng kết thúc vào cuối năm 2020, dựa trên kết quả kiểm kê và hiện trạng sử dụng, Sở sẽ trình UBND tỉnh đề án bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng, trong đó có bảo tồn cồng chiêng”-Trưởng phòng Quản lý Di sản cho biết.

Theo các nhà quản lý văn hóa, đời sống của cồng chiêng đã có sự biến đổi trong hơn một thập kỷ qua. Đặt vấn đề bảo vệ Không gian văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn hiện nay cần sự thấu hiểu, nếu không rất dễ dẫn đến ngộ nhận, sai lệch. Trong 15 năm thực hiện công ước của UNESCO về bảo vệ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, không riêng Gia Lai mà các địa phương đều đã có những động thái tích cực nhưng chưa thực sự phù hợp. Do đó, muốn bảo vệ di sản phải tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà khoa học. Bàn về chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” tại hội thảo diễn ra ở TP. Pleiku cuối năm 2018, các nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, sai lầm trong công tác bảo tồn hiện nay, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp khoa học, khả thi để bảo tồn toàn vẹn Không gian văn hóa cồng chiêng.

Lễ hội Pơ thi ở Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: Minh Châu
Lễ hội Pơ thi ở Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: Minh Châu


Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: “Mặc dù có nhiều chương trình, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, nhưng khách quan mà nói, các kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản gặp nhiều khó khăn như chưa sử dụng và phát huy tốt vai trò của nghệ nhân do thiếu chế độ đãi ngộ; công việc nghiên cứu, sưu tầm còn gặp những khó khăn liên quan đến kinh phí. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên các dự án phát huy giá trị di sản cồng chiêng trong cộng đồng bị đứt quãng, không còn thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ như ngay sau khi di sản được UNESCO vinh danh; việc nghiên cứu, ghi âm bài bản các bài chiêng cũng khó khăn do trình độ cán bộ còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu điền dã”.

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn-Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam-cho biết: “15 năm qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện nhiều dự án góp phần triển khai chương trình hành động quốc gia mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO như thông tin trong hồ sơ đề cử. Bây giờ là lúc chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại những gì đã làm được để tôn vinh di sản đặc biệt này. Hiện nay, đặt ra vấn đề bảo vệ di sản là bảo vệ cuộc sống của nó trong bối cảnh đương đại; di sản văn hóa thay đổi cùng với cuộc sống của cộng đồng chủ nhân.

Do đó, bảo vệ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trước hết cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, phải xem di sản như báu vật của gia đình, dòng tộc. Thứ hai, nhiều bối cảnh của cuộc sống đương đại như các dịp lễ vui, trọng đại, lễ mừng thọ, đám cưới, sinh hoạt cộng đồng, cần khuyến khích người dân sử dụng cồng chiêng, trình diễn cồng chiêng. Và thứ ba là cần có một chương trình hành động mang tính toàn diện để hỗ trợ người dân bảo vệ cồng chiêng tại cộng đồng. Đặc biệt, cần vinh danh, đãi ngộ nghệ nhân. Sự hỗ trợ này không chỉ cho cá nhân nghệ nhân mà cần cho cả việc thực hành, truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng và chỉnh chiêng. Công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ có thể coi là sự sống còn của một di sản, cũng như duy trì thực hành cồng chiêng tại cộng đồng. Những năm tiếp theo, hoạt động này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tin bằng tình yêu, sự quyết tâm gìn giữ di sản, chúng ta sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
 

 HOÀNG NGỌC






 

Có thể bạn quan tâm