Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Bảo vệ trẻ em bằng những hành động thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm nay, tháng 6 hàng năm được xã hội ta lấy làm Tháng Hành động vì trẻ em. Các địa phương, ban ngành, đoàn thể phát động những việc làm thiết thực để nâng cao nhận thức của toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ. Năm nay, Tháng Hành động vì trẻ em có chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, là sự khẳng định vai trò tác động to lớn của công nghệ 4.0 đến đời sống trẻ em.

Đang trong Tháng Hành động vì trẻ em nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, trên báo chí cả nước xuất hiện liên tục nhiều thông tin đau lòng về những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là sự xâm hại tình dục, bạo hành, cưỡng ép trẻ... Tình trạng cha mẹ ép con uống thuốc tự tử, tự sát có dấu hiệu gia tăng; tình trạng người thân, thầy giáo dâm ô, hiếp dâm trẻ em vẫn chưa lắng xuống. Rồi cô giáo mầm non, người bảo mẫu, mẹ kế... đánh đập hành hạ trẻ không thương xót nhan nhản. Nạn tảo hôn trong một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn phổ biến. Quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em chưa được quan tâm, bảo vệ hiệu quả.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Gia Lai đa số đồng bào sống bằng nghề nông nghiệp, từ lâu đã hình thành thói quen trẻ em sớm tham gia lao động phụ giúp gia đình. Tình trạng học sinh bỏ học ở nhà trở thành lao động chính luôn là vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và Đào tạo qua các năm. Nhìn vào biểu đồ hình chóp các cấp học của học sinh dân tộc thiểu số: cấp học thấp thì số lượng lớn, lên cấp học cao hơn số lượng giảm dần, đến cấp THPT, đại học teo tóp, cho thấy quyền được học tập, được nâng cao, mở rộng kiến thức, hiểu biết, xây dựng tương lai nghề nghiệp tươi sáng của các em trong vùng sâu, vùng xa còn nhiều nan giải.

Khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là mạng xã hội trong thời kỳ công nghệ số vừa là cơ hội vừa là thách thức rất lớn của toàn xã hội, nhất là đối với trẻ em. Internet đã len lỏi mọi ngõ ngách cuộc sống, tác động mãnh liệt vào giới trẻ. Có người từng nói: “Muốn hủy hoại tương lai của đứa trẻ nhanh nhất, hãy đưa cho chúng chiếc smatphone”. Thời đại công nghệ số, thông tin tràn ngập trên các trang mạng, tốt có, xấu có; thông tin xấu độc tác động vào giới trẻ quá nhiều, không cơ quan nào kiểm soát nổi. Cái tốt cần được rèn giũa mới hình thành, trong khi cái xấu rất dễ bị tiêm nhiễm. Vì thế, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ số khó khăn, phức tạp gấp nhiều lần so với xã hội truyền thống luật tục và đức trị trước đây.

Bây giờ, trẻ con chỉ cần biết đọc, biết viết là dễ dàng vào mạng xã hội, chát chít, lập nhóm riêng, thậm chí suốt ngày đêm “chém gió” với nhau. Các bậc phụ huynh cứ thử vào trang mạng lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng xem các em nói gì với nhau, con em mình xem gì trên đó? Ngôn từ mà các cô cậu học trò từ lớp 6 đến 12 nói với nhau; suy nghĩ, tình cảm của chúng; sự tác động của những nhóm bên ngoài vào chúng... mới thấy sự phức tạp ghê gớm của mạng xã hội mang lại.

Một khi thông tin được xác định là một hình thức gây chiến: “chiến tranh thông tin” thì kẻ thù và kẻ xấu không từ bỏ bất kỳ âm mưu, thủ đoạn nào để làm sai lệch, cố tình đầu độc tất cả mọi người trong đó có trẻ em bằng việc tác động vào nhận thức, tình cảm, đạo đức, thuần phong mỹ tục, mục tiêu là nhằm thay đổi nhận thức, tư cách, gây rối loạn xã hội. Vì thế, bảo vệ trẻ em không còn đơn thuần là bảo vệ đạo đức, văn hóa, trật tự an toàn xã hội mà còn là vấn đề bảo vệ sự an nguy của quốc gia, dân tộc. Bởi sự tác động vào thế giới trẻ em có âm mưu xấu độc của người lớn. Một số đối tượng cố tình nhào nặn thông tin, làm sai lệch, bóp méo thông tin khiến trẻ em nhận thức lệch lạc, mất niềm tin vào người lớn, hành động trái đạo lý là cách phá hoại xã hội hết sức nguy hiểm.

Công nghệ số-thành tựu của xã hội loài người là cuộc cách mạng trong đời sống xã hội. Nếu quốc gia, dân tộc, con người nào biết phát huy giá trị và tác dụng của nó, sẽ tạo bước nhảy vọt trong nhận thức, tư duy và đời sống. Ngược lại, là sự hủy hoại không thương tiếc vào một số người, một số đối tượng nếu không có được định hướng tốt, quản lý chặt chẽ của người có hiểu biết.

Trẻ em tâm hồn trong sáng, nhận thức hồn nhiên, chưa trải nghiệm cuộc sống, không dễ phân biệt đúng-sai trước khối thông tin khổng lồ mạng xã hội mang lại. Cái xấu dễ học, dễ làm do nó nằm ngay trong bản năng của mỗi con người. Nhận thức về sự tốt-xấu đối với trẻ em còn mông lung, cảm tính bởi sự tốt xấu phải được luận giải một cách sâu xa. Để giúp trẻ hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, xây dựng đời sống và xã hội văn minh thì mỗi người lớn cần nâng cao nhận thức; cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức chính trị-xã hội, nhà trường cần được trang bị kiến thức, tăng cường vai trò trách nhiệm giáo dục, thuyết phục; luôn trong trạng thái nhập cuộc, mới mong dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm