(GLO)- Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20-1-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý lao động người nước ngoài ở tỉnh ta còn nhiều tồn tại.
Nhiều lao động nước ngoài vi phạm
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Tỉnh ủy Gia Lai, tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 342 lượt lao động nước ngoài làm việc ở 25 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Trong số đó, lao động đến từ Trung Quốc là 165 người, Ấn Độ 65 người, Hàn Quốc 5 người, Nhật Bản 5 người và một số lao động các nước khác. Trong đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai đã cấp giấy phép cho 291 lao động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai-cho biết: Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đa số lao động này làm việc tại những doanh nghiệp chuyên lắp đặt các thiết bị máy móc, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thi đấu thể dục thể thao và giảng dạy tiếng Anh tại các trường THPT, các trung tâm ngoại ngữ.
Tính từ năm 2013 đến nay, tỉnh Gia Lai có 342 lượt lao động nước ngoài làm việc ở 25 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Từ tháng 6 đến tháng 8-2019, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện thanh-kiểm tra 10 cơ sở dạy ngoại ngữ có thuê người nước ngoài về giảng dạy. Sau khi phát hiện 6 lao động chưa có đầy đủ hồ sơ theo quy định, đoàn đã hướng dẫn bổ sung.
Trước đó, từ năm 2014 đến 2018, Sở phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh-kiểm tra tại 9 doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh; qua đó phát hiện 59 lao động người nước ngoài làm việc tại phòng tập NT Center Yoga &Fitness (55/2A Nguyễn Du, TP. Pleiku), Chi nhánh Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku), Công ty cổ phần Đầu tư Giáo dục Âu Việt (07 Nguyễn Du, TP. Pleiku) vi phạm pháp luật Việt Nam như: khai không đúng thông tin để được cấp thị thực nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam; không khai báo tạm trú theo quy định...
Đặc biệt, trong 2 năm 2014-2015, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra tại 6 nhà máy, dự án trong tỉnh và phát hiện có 7 lao động Trung Quốc đang làm việc tại mỏ chì kẽm xã Chư Mố, huyện Ia Pa (Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai), Dự án Nhà máy Nhiệt điện bã mía Gia Lai (Công ty Hữu hạn Xây lắp số 1 thuộc Tập đoàn Xây dựng công trình Quảng Tây), Nhà máy Thủy điện Hà Tây (Công ty Hữu hạn Thiết bị phát điện Linh Lăng Hằng Viễn-Hồ Nam-Trung Quốc)... không có giấy phép lao động, buộc phải trục xuất. Đồng thời, Sở cũng tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt các đơn vị sử dụng lao động không phép 130 triệu đồng.
Phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý
Nói về nguyên nhân của những tồn tại trên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phân tích: Trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp còn thấp, chính sách pháp luật của nước ta còn những nội dung chưa phù hợp. Công tác quản lý lao động người nước ngoài chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về quản lý lao động người nước ngoài còn hạn chế và thiếu tính chủ động. Một số doanh nghiệp chưa nghiên cứu đầy đủ quy định của pháp luật nên tuyển lao động nước ngoài không đủ điều kiện, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục tuyển lao động. Có doanh nghiệp lợi dụng quy định tại điểm 4 Điều 172 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định một số trường hợp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 3 tháng thì không phải xin cấp giấy phép lao động để đưa lao động người nước ngoài vào làm việc; chỉ khi bị kiểm tra, phát hiện mới tiến hành làm các thủ tục. Nhiều doanh nghiệp còn tìm cách lách luật để không phải làm giấy phép lao động như đưa số lao động nước ngoài có visa dưới 3 tháng vào làm việc rồi cho về nước, sau đó tiếp tục tuyển dụng lại nên rất khó quản lý.
Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3-2-2016 của Chính phủ quy định: trước ít nhất 15 ngày kể từ khi lao động người nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc thì người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau thời gian thử việc mới tiến hành làm thủ tục này; thậm chí không làm thủ tục đề nghị cấp, cấp lại giấy phép cho lao động nước ngoài, khi cơ quan chức năng yêu cầu bổ sung thì đưa ra nhiều lý do để trì hoãn.
Trao đổi với P.V về giải pháp tăng cường quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng: Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng lao động người nước ngoài vì đây là nhu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế. Nhưng các doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật trong việc tuyển dụng, xin cấp giấy phép lao động. Cùng với đó, Tỉnh ủy cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng phần mềm tích hợp, thống nhất việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài để việc quản lý được đồng bộ, chặt chẽ hơn. Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý lao động người nước ngoài để không gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
ĐINH YẾN