Theo South China Morning Post, triển vọng bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc không có dấu hiệu giảm bớt bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, sau khi Bắc Kinh và Moskva ký các hợp đồng vũ khí mới tại triển lãm hàng không lớn đang diễn ra tại Trung Quốc.
Máy bay ném bom Sukhoi Su-35 của Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Rosoboronexport, tập đoàn nhà nước xuất nhập khẩu vũ khí của Nga, cho biết tập đoàn này đã ký thêm ba hợp đồng vũ khí với Trung Quốc trong triển lãm hàng không Chu Hải, được tổ chức tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 6/11 đến 9/11.
Tổng giám đốc Alexander Mikheev nêu rõ: "Rosoboronexport hy vọng việc tham gia vào triển lãm lần này sẽ tạo thêm động lực cho xu hướng tích cực trong mối quan hệ Nga-Trung trong lĩnh vực hợp tác công nghệ quân sự".
Hồi tháng Chín vừa qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Trung Quốc do mua máy bay tiêm kích và các hệ thống tên lửa từ Nga, vi phạm đạo luật trừng phạt đối với Nga do cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Bất chấp lệnh trừng phạt này, người phát ngôn của Rosoboronexport Vladimir Kryuchkov khẳng định, các thương vụ vũ khí Trung -Nga vẫn đang được thảo luận.
Theo ông Kryuchkov, quan hệ đối tác này cũng được mở rộng từ lĩnh vực mua sắm các vũ khí ban đầu cho tới nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.
Ông Kryuchkov nhấn mạnh: "Nếu biện pháp trừng phạt của Mỹ có bất kỳ ảnh hưởng nào tới sự hợp tác của chúng tôi với Trung Quốc, thì chỉ ảnh hưởng tới mặt tốt hơn. Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc thân thiết hơn bao giờ hết".
Ông Kryuchkov bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến sự cải thiện của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ vũ khí được sản xuất trong nước, và không tin sự tiến bộ này có thể làm suy giảm nhu cầu của Bắc Kinh đối với các sản phẩm của Nga, như động cơ máy bay quân sự, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong mặt hàng xuất khẩu của Nga vào Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Viktor Kladov, đại diện phái đoàn của Nga tham dự triển lãm hàng không Chu Hải, thông báo, Nga sẽ hoàn tất việc chuyển giao máy bay tiêm kích SU-35 và hệ thống phòng không S-400 muộn nhất vào năm 2020.
Ngoài ra, Nga cũng có thể thành lập một trung tâm bảo dưỡng ở Trung Quốc cho các hệ thống tên lửa S-300 và S-400.
Ông Dmitry Shugaev, Giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, cho biết: "Tôi rất hài lòng khi bất kỳ âm mưu nào của các nước thứ ba nhằm can thiệp vào mối quan hệ giữa hai nước chúng tôi đều không mang lại kết quả như mong muốn, và phía Trung Quốc xem những âm mưu này là một nhân tố của sự cạnh tranh không công bằng".
Theo Vietnam+