Lâu nay người trồng nấm rơm các nơi chủ yếu trồng theo cách truyền thống là làm ngoài trời và chủ yếu sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu. Tuy nhiên thời gian gần đây giá rơm bất ngờ tăng cao dẫn đến chi phí trồng nấm tăng, giá thành bị đẩy lên cao.
Nấm rơm của HTX Nông nghiệp Xanh sau khi thu hoạch. Ảnh: Nha Mẫn |
Trước những khó khăn đó, người trồng nấm tại Đồng Nai đã nảy ra nhiều ý tưởng mới để giảm thiểu chi phí trồng nấm rơm. Trong đó có mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín từ nguồn bông vải sợi phế thải của HTX Nông nghiệp Xanh tại xã Lộc An, huyện Long Thành, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với mô hình này, người nông dân có thể tái sử dụng lại các chuồng trại chăn nuôi để làm nơi trồng nấm. Phương pháp trồng nấm rơm này cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài nên giảm những tác động từ thời tiết, dịch bệnh.
Theo chị Nguyễn Hoàng Hương - người trồng nấm rơm, với mô hình này có thể quản lý nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với điều kiện sinh trưởng của nấm. Hơn nữa, nấm rơm được trồng trên những chiếc kệ xếp chồng lên nhau nên tận dụng được tối đa diện tích. Việc chăm sóc, thu hoạch cũng dễ dàng và thuận lợi hơn.
“Đặc biệt, nấm được trồng bằng bông vải có nhiều ưu điểm, dễ làm, cho năng suất cao. Giá và nguồn bông vải phế liệu tương đối ổn định, việc mua và vận chuyển bông vải dễ dàng, không phụ thuộc vào mùa vụ như khi sử dụng rơm rạ” - chị Hương cho biết.
Ông Mai Hùng cũng trồng nấm rơm kiểu này cho biết, trồng nấm rơm từ bông vải sợi có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gấp 4 - 5 lần, mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tốt hơn rơm rạ. Phương pháp trồng khá tỉ mỉ, khi đưa nguyên liệu bông về phải xay, ủ vôi để loại bỏ vi sinh độc hại, đo nồng độ pH, canh nhiệt độ, độ ẩm, cấy mô giống… Ngoài ra, phải thiết kế nhà nấm duy trì môi trường nhiệt độ ổn định từ 30 - 32 độ.
“Hiện tại, trại nấm của gia đình tôi kết quả khá khả quan, cứ khoảng 1 tấn bông cho 2 tạ nấm thành phẩm. Mỗi mẻ nấm được làm trong vòng 20 ngày, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng” - ông Hùng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh cho biết mô hình trồng nấm rơm bằng bông vải trong nhà kín không đòi hỏi diện tích đất lớn nên dễ triển khai.
“Trồng nấm rơm ngoài trời, mỗi năm chỉ sản xuất được 2-3 vụ, do có thời gian cách quãng giữa cách vụ khá dài để tránh lây lan mầm bệnh. Còn trồng nấm rơm trong nhà có ưu điểm là thời gian cách ly ngắn (khoảng 1 tháng) và có thể trồng được quanh năm” - bà Liên nói.
Theo Nha Mẫn (Dân Việt)