Với Học viện HAGL JMG, bầu Đức đã thành công rất nhiều nhưng thất bại cũng không ít. Là người tiên phong, ông đã chấp nhận trả giá cho quyết tâm khai phá con đường mới của mình.
Kết thúc V.League 2018 với vị trí thứ 10 trên BXH, CLB HAGL trải qua mùa giải thứ 5 liên tiếp không có huy chương. 4 năm kể từ ngày lứa Công Phượng “hạ sơn”, đội bóng phố núi không có một danh hiệu. Khóa I, II JMG của Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn trưởng thành không đúng kỳ vọng, các khóa sau của lò đào tạo không tạo được dấu ấn.
Giấc mơ của bầu Đức về một Học viện HAGL JMG vươn ra thế giới đã không trở thành hiện thực.
Giấc mơ châu Âu sụp đổ
Khi bầu Đức thành lập Học viện HAGL Arsenal JMG vào năm 2007, mục tiêu lớn nhất là đào tạo cầu thủ để bán cho các CLB nước ngoài với châu Âu là điểm đến chiến lược. Đó cũng là mục tiêu chung của hệ thống Học viện JMG toàn cầu mà Việt Nam chỉ là một đại diện.
11 năm kể từ ngày ấy, có thể khẳng định: mục tiêu chiến lược của bầu Đức và HAGL đã hoàn toàn thất bại.
Xuân Trường là cầu thủ HAGL tốt nhất nhưng cũng chỉ trụ được ở Hàn Quốc 2 năm. Ảnh: Minh Chiến. |
Lứa I của lò HAGL với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... và lứa II của Văn Toàn, Văn Thanh... đều không đạt tới đẳng cấp mà bầu Đức kỳ vọng. Ra mắt bóng đá Việt Nam từ năm 2013, lên chơi V.League từ năm 2015, lứa cầu thủ này không trưởng thành đúng như mong muốn của bầu Đức dù được tạo rất nhiều điều kiện.
Dưới sự tác động của bầu Đức và HAGL, 4-5 cầu thủ JMG đã được thi đấu tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Phần còn lại của lứa I và lứa II được lên chơi tại V.League, được tạo điều kiện đá chính. Hàng chục cầu thủ HAGL từng khoác áo các đội tuyển U19, U23 và tuyển quốc gia. Họ đã thử lửa ở nhiều giải đấu khu vực và châu lục, được tập luyện trong các điều kiện tiên tiến, được chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng.
Nhưng không ai trong số họ vươn được tới đẳng cấp châu Á chứ đừng nói tới châu Âu. Ngôi sao hàng đầu của lò JMG là Lương Xuân Trường chỉ trụ được ở K.League đúng 2 năm trong vai trò cầu thủ dự bị.
Lần duy nhất, các cầu thủ HAGL “chạm” tới gần giấc mơ là khi Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng và Đông Triều được tập huấn tại Arsenal năm 2012. Chút tiếc nuối, nếu có, chỉ dành cho Tuấn Anh. Nếu không chấn thương, “Ronaldinho Việt Nam” lẽ ra đã được thử lửa trong màu áo Olympiacos.
Tuấn Anh là cầu thủ hiếm hoi của Học viện HAGL JMG được một đội bóng châu Âu đề nghị ký hợp đồng. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Tại sân chơi V.League, những cầu thủ ấy cũng không thể hiện được mình. Chính sách nhân sự vội vã của HAGL tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ được thi đấu rất nhiều. Nhưng bản thân đội bóng chưa có một nền tảng đủ tốt để dìu dắt họ tại V.League.
Kết quả là sau 4 năm, lứa cầu thủ ấy không đạt được nhiều tiến bộ. Họ không đủ sức ra nước ngoài thi đấu và trầy trật ngay ở giải vô địch quốc nội. Ở tuổi 23, kỳ vọng vào một sự tiến bộ đột phá nơi Xuân Trường, Công Phượng là không thực tế.
Sau lứa Công Phượng là thất bại
Khi “những đứa trẻ của bầu Đức” tạo cơn sốt cho bóng đá Việt Nam hồi năm 2014, ông bầu quyền lực từng nói khóa III và IV của HAGL sở hữu những tài năng nhí còn xuất sắc hơn cả Công Phượng. Bốn năm sau ngày ấy, vẫn chưa có thần đồng nào của phố núi tiếp cận được trình độ Công Phượng năm xưa.
Có những sự khác biệt rất lớn trong công tác đào tạo của khóa I, II và khóa III, IV ở HAGL. Khóa I và II là những lứa đầu tiên của Học viện JMG. Hai lứa cầu thủ này được tuyển lựa đầu tiên, nằm trong độ tuổi từ 1995 tới 1997 nên có thể tập luyện, thi đấu cùng nhau. Họ được tuyển chọn khi mô hình đào tạo trẻ ở Việt Nam chưa phát triển mạnh. Ngày ấy, HAGL đủ điều kiện tuyển người trên khắp cả nước nên chất lượng nhân sự đầu vào rất cao.
Lứa III của Học viện JMG không có những tên tuổi xuất sắc nổi trội. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Tới khóa III và IV, lò PVF, CLB Hà Nội và Viettel đã ra đời. So với HAGL, các lò đào tạo này cũng được đầu tư mạnh, có giáo trình hiện đại, sở hữu vị trí địa lý thuận lợi (ở Hà Nội và TP.HCM). Sự xuất hiện của hệ thống đào tạo mới khiến trình độ con người đầu vào của HAGL không còn ấn tượng.
Bên cạnh đó, quá trình đào tạo của lứa III và IV bị gián đoạn khi “kiến trúc sư trưởng” Guillaume Graechen phải dành quá nhiều thời gian cho lứa U19 Việt Nam và mất thêm 1 năm dự V.League 2015.
Những thay đổi ấy khiến chất lượng con người của lứa III và IV giảm đi đáng kể. Hãy để các số liệu chứng minh điều đó.
Khi U19 Việt Nam dự VCK U19 châu Á năm 2014, có tới 13 cầu thủ HAGL góp mặt trong đội hình. Hai năm sau, khi HLV Hoàng Anh Tuấn đưa U19 Việt Nam giành hạng 4 châu Á, chỉ còn 3 người được gọi. Trong danh sách U19 Việt Nam dự Giải Đông Nam Á 2018 vừa qua, phố núi cũng chỉ đóng góp 4 người với Bảo Toàn là cái tên gây ấn tượng duy nhất.
Sau 4 năm, ảnh hưởng của HAGL ở các đội tuyển ngày càng giảm đi. Hai kỳ tích lớn nhất của bóng đá Việt Nam tại U23 châu Á và ASIAD, người của HAGL vẫn góp mặt, nhưng không còn giữ vai trò lớn như trước.
Cái giá của người tiên phong?
Sau hơn một thập kỷ tồn tại, Học viện HAGL JMG rõ ràng là thành tựu lớn của bầu Đức. Nhưng ở đó, không chỉ có hoa hồng và rượu vang. Bầu Đức thành công nhiều nhưng thất bại cũng không ít. Ông thu được nhiều nhưng trả giá cũng đáng kể.
Thành công đầu tiên của bầu Đức là sự ra đời của lứa cầu thủ khóa I, khóa II với Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn là những đại diện ưu tú. Họ đã giúp HAGL áp đảo ở các đội tuyển quốc gia suốt một thời gian dài. Họ góp công trong các chiến công của U23 và Olympic Việt Nam.
Những thương vụ mang tính đột phá của bóng đá Việt Nam như Kiatisak và Lee Nguyễn đều là tác phẩm của bầu Đức. |
Sở hữu lối chơi ban bật đẹp mắt, thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, “những đứa trẻ của bầu Đức” thu hút lượng “fan” đông đảo, tạo nên một biểu tượng mới của bóng đá Việt Nam. Giống như cú áp phe Kiatisak hay thương vụ Lee Nguyễn trong quá khứ, thành công của lứa trẻ JMG nâng bầu Đức lên một tầm cao mới. Chiến công ấy cũng xóa tan rất nhiều định kiến, khiến người ta quên rằng bầu Đức từng là người khởi đầu cho cơn bão kim tiền của bóng đá Việt, cũng từng chạy đua thành tích, từng tạo ra những bong bóng chuyển nhượng. Với rất nhiều người trẻ ngày nay, bầu Đức là biểu tượng lớn nhất của bóng đá đẹp và tử tế.
Thành công của lứa trẻ JMG cũng là bằng chứng cho thấy đầu tư vào đào tạo trẻ mới đem tới tương lai thực sự cho nền bóng đá. Bước đi tiên phong của bầu Đức mở đường cho xu hướng làm đào tạo trẻ ở Việt Nam sau này.
Với bóng đá trẻ, bầu Đức đã nỗ lực, đã thành công và đạt được những thành tựu phi thường.
Là người tiên phong đầu tư cho đào tạo trẻ, ông Đức phải một mình bước đi trên con đường chưa được khai phá. 4 năm chật vật của lứa Công Phượng ở V.League rõ ràng không nằm trong dự liệu của bầu Đức. Ông chủ quyền lực của HAGL đã quá vội vã trong cuộc thanh lọc đội hình hồi cuối năm 2014. Ông càng vội vã hơn khi đôn toàn độ lứa trẻ Gia Lai lên chuyên nghiệp khi chưa tròn 20 tuổi.
Bầu Đức thành công nhiều và thất bại không ít với lứa trẻ của HAGL. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Ông quá tin tưởng, quá kỳ vọng vào chất lượng đào tạo của lò JMG, chưa đánh giá đúng thực lực của các cầu thủ, không nhận thức hết được sự khốc liệt của V.League - giải đấu mà ông đã có rất nhiều năm gắn bó.
Hậu quả là những cầu thủ trẻ của Gia Lai trải qua 4 năm trắng tay ở đấu trường quốc nội. Nền tảng yếu kém ở CLB khiến họ không tiến bộ được tại các đội tuyển quốc gia. Đã chơi cả trăm trận ở các giải chuyên nghiệp, những vấn đề như kinh nghiệm, bản lĩnh, thể lực của họ vẫn chưa được giải quyết.
Thất bại của bầu Đức là cái giá phải trả cho sự tiên phong. Suốt sự nghiệp bóng đá của mình, ông Đức luôn là người đi đầu trong các xu hướng. Những bản hợp đồng kỷ lục của bóng đá Việt, những hệ thống đào tạo tiên tiến, vụ đưa Arsenal tới Việt Nam năm 2013, tất cả đều có dấu ấn của bầu Đức.
Học viện HAGL JMG thành công nhiều nhưng thất bại cũng không ít. Là người tiên phong, bầu Đức xứng đáng với cả hai điều ấy.
Thanh Hà (ZING.VN)