(GLO)- Một nhà văn hóa từng viết về những nghệ nhân chỉnh chiêng như thế này: Ở tất cả các dân tộc Tây Nguyên có những người đặc biệt, rất hiếm hoi và được hết sức quý trọng, đó là “những thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho chiêng”. Có dịp về các buôn làng ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) mới thấy ý kiến trên hoàn toàn chính xác, khi đội ngũ nghệ nhân chỉnh chiêng vốn đã ít ỏi nay lại càng hiếm hoi.
Nghệ nhân chỉnh chiêng Ksor Kok (buôn Sai, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) đợi chúng tôi trong căn nhà gỗ mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà sàn Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba. Ông chính là học trò xuất sắc của Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai-một bậc thầy chỉnh chiêng của tỉnh.
Ông Ksor Phoa-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Ngọc-cho biết: Hàng chục năm nay, cả xã chỉ có một nghệ nhân biết chỉnh chiêng, từ các loại chiêng mới (cải tiến), chiêng truyền thống cho đến các loại chiêng cổ-loại chiêng chỉ sử dụng trong một số nghi lễ truyền thống của người Jrai.
Học trò giỏi của Nay Phai
Nghệ nhân Ksor Kok đã có hơn 20 năm biết sửa tiếng cho chiêng, nổi tiếng trong cộng đồng Jrai ở các buôn làng vì làm công việc này chỉ với một ghè rượu uống cùng chủ nhà mỗi khi xong việc. Người thầy Nay Phai không chỉ truyền dạy cho ông biết chỉnh chiêng mà hơn thế, còn giúp ông hiểu về cội nguồn, truyền niềm đam mê với chiêng. Ông Ksor Kok kể, thầy Nay Phai cho ông đi theo khắp các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Phú Yên để quan sát, thực hành chỉnh chiêng.
“Thầy chỉ dạy cho mình rất cặn kẽ, từng li từng tí vì việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại. Có những lần, thầy giao cho mình làm rồi ngồi quan sát, lắng nghe, hướng dẫn. Thầy chỉ cho mình cách phân biệt các loại chiêng của các dân tộc. Mỗi loại chiêng lại có cách chỉnh sửa khác nhau. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm thì cần có năng khiếu âm nhạc cồng chiêng. Hơn 2 năm theo thầy Nay Phai đi khắp nơi, mình biết chỉnh sửa nhiều loại chiêng và phân biệt được loại nào đánh trong những dịp nào, hiểu hơn về truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần của ông bà”-nghệ nhân Ksor Kok kể.
Nghệ nhân Ksor Kok “chữa bệnh” cho chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Theo nghệ nhân Ksor Kok, bộ chiêng truyền thống của người Jrai có 13 chiếc, thường được dùng phổ biến trong các dịp lễ như: mừng lúa mới, đâm trâu, bỏ mả, tiễn đưa người chết. Bài nhạc chiêng tấu lên luôn có sự đồng điệu, nhịp nhàng giữa các thành viên. Vì vậy, chiêng truyền thống còn là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng. Ngược lại, chiêng cải tiến chỉ cần một hoặc vài người chơi. Loại này rất dễ sử dụng nên thu hút thanh niên hơn. Riêng chiêng cổ mỗi bộ có 6-7 chiếc, chỉ ít người biết chơi và thường là người già. Chiêng này chỉ đánh trong các lễ cúng mang tính chất riêng tư của gia đình, dòng tộc.
Nói rồi, ông bày một bộ đồ nghề giản đơn chỉ gồm 3 chiếc búa, một chiếc dùi gõ có đầu bọc vải và lấy ra một số chiêng “đãi khách” thay cho những lời giải thích. Chỉ cần nhìn bộ dụng cụ là đã có thể đoán được quãng thời gian chúng gắn bó với ông. Phần dây quấn trên cán búa bong tróc nhưng vẫn được bọc trong miếng vải hết sức cẩn thận.
Ông cầm lên một chiếc chiêng hư, gõ mặt trước, mặt sau, gõ vòng tròn, gõ vào chính giữa, khi gõ mạnh, khi khẽ thăm dò. Sau mỗi nhịp gõ, ông dừng lại nghiêng tai lắng nghe âm thanh vang lên với độ cao, thấp khác nhau của từng chiếc lớn, nhỏ. Vầng trán lúc nhíu lại, khi giãn ra nhưng nghệ nhân không có vẻ gì sốt ruột. Nhịp gõ có khi lặp lại y như vòng xoang ngày hội, từ ngày sang đêm, từ đêm sang ngày nhưng không nhàm chán mà vẫn say mê. Từ nhạc cụ bằng đá, người Tây Nguyên đã chuyển sang nhạc cụ bằng đồng mà vẫn giữ nguyên cái hồn, khả năng thẩm âm độc đáo là nhờ có những nghệ nhân chỉnh chiêng tài hoa, thẩm âm chuẩn xác như vậy.
Thiếu vắng truyền nhân
Nghệ nhân Ksor Kok đi nhiều, tiếp xúc cồng chiêng ở nhiều vùng nên có một bề dày kinh nghiệm. Được chỉ dạy từ những bậc thầy chỉnh chiêng, lại có tài năng thiên bẩm nên có thể coi ông như “báu vật nhân văn sống” của cộng đồng. Tự hào với nghệ thuật cồng chiêng, tự hào khi là học trò của nghệ nhân Nay Phai bao nhiêu thì nghệ nhân Ksor Kok lại càng ưu tư bấy nhiêu khi nói về thế hệ kế thừa.
“Hơn 20 năm qua, thỉnh thoảng có người muốn theo học sửa tiếng cho chiêng nhưng người lâu nhất cũng chỉ ở với mình được 2 tháng thì bỏ cuộc. Vì vậy cho đến nay, cả vùng này không còn người biết chỉnh chiêng nào”-nghệ nhân Ksor Kok giãi bày. Ông cho rằng, sự đam mê, nhẫn nại, sống chậm mới giúp người trẻ ở lại tới cùng với nghề chỉnh chiêng. Nhưng đây là đòi hỏi rất khó đối với lớp trẻ Jrai bây giờ.
Một công việc đặc biệt được thực hiện bằng bộ dụng cụ rất đơn giản. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Một nỗi trăn trở khác của nghệ nhân này, đó chính là những kiến thức cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng mà ông đang nắm giữ, lại đang gần như bị quên lãng. Vài năm trở lại đây, hầu như ông chỉ sửa khoảng 4-5 bộ chiêng cải tiến, chiêng truyền thống và chiêng cổ gần như không còn. Điều đó cho thấy đời sống văn hóa đang thiếu vắng những lễ hội, những nghi thức truyền thống vốn gắn bó mật thiết với đời sống người Jrai từ khi sinh ra, lớn cho tới khi về với ông bà.
Liên quan đến vấn đề này, chị Rô H’Đa-công chức Văn hóa-Xã hội xã Chư Ngọc-cho biết: “Qua đợt kiểm kê cồng chiêng vừa rồi, vẫn còn một số gia đình lưu giữ chiêng truyền thống, chiêng cổ. Tuy nhiên, bà con rất ít khi sử dụng nên cũng không có nhu cầu chỉnh sửa. Thanh niên cũng không thích chơi chiêng này vì bài chiêng có nhịp điệu chậm, buồn và khó hơn nhiều so với dàn chiêng cải tiến. Chiêng mới có thang âm gần giống với đàn organ, có thể chơi được nhiều bài nhạc mới nên thu hút người trẻ hơn”.
Dòng chảy văn hóa của một trong hai dân tộc bản địa lớn nhất, sinh sống lâu đời nhất ở vùng hạ lưu sông Ba đang có sự biến đổi mạnh mẽ. Hình ảnh nghệ nhân Ksor Kok ngồi lặng lẽ bên hông nhà sàn chỉnh chiêng với những dụng cụ đơn giản, toát lên vẻ đẹp xưa cũ, u hoài, ngày càng khó gặp, khó tìm.
“Khôi phục và duy trì các lễ hội, mở các lớp truyền dạy cồng chiêng và chỉnh chiêng ngay tại cộng đồng, nếu không, cồng chiêng Jrai và các giá trị văn hóa truyền thống sẽ không tránh khỏi mai một”-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Ngọc đã nói như vậy.
Nhưng ai sẽ làm việc này và làm như thế nào khi tất cả đều quy vào nguồn kinh phí dành cho công tác văn hóa luôn quá hạn hẹp thì lại là điều mà ông chưa trả lời được.
HOÀNG NGỌC