Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tri ân nghệ sĩ của núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 8 năm sau ngày Nghệ nhân Ưu tú H’Ben-nghệ sĩ của núi rừng về cõi Atâu, nhiều hoạt động tri ân diễn ra để tôn vinh người phụ nữ Bahnar có nhiều đóng góp cho văn hóa nghệ thuật.

Sau tập nhạc “Một số bài hát dân ca Bahnar”-tập 1 ra mắt đầu năm 2022, mới đây, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tiếp tục xuất bản tập 2. Các bài dân ca trong cả 2 tập đều do cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben sưu tầm, trong đó có nhiều bài được bà đặt lời mới.

Ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-khẳng định: “Đây là việc làm ý nghĩa, vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân dành cho một nghệ sĩ đã đóng góp công sức rất lớn trong việc sưu tầm, bảo tồn dân ca Bahnar”.

Nghệ nhân Ưu tú H’Ben sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó Kông Chro. Với tố chất thiên bẩm có giọng cao trong vắt như suối rừng, bà thuộc lứa nghệ sĩ, trí thức được đào tạo bài bản ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước, từng đi biểu diễn ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh, một người em rất thân thiết của gia đình vợ chồng nghệ sĩ H’Ben từng viết: “Ngay từ khi còn rất nhỏ, bà đã được đắm mình trong không gian của tiếng cồng chiêng, goong, t’rưng và các bài hát mà mí (mẹ) và bất kỳ người phụ nữ Bahnar nào đều hát. Hát và múa, múa và hát như ăn cơm uống nước, như uống rượu cần, như đi rẫy có chiếc gùi, con dao, cái rựa và những quả bầu khô (…). Tuổi thơ của bà là tuổi thơ được địu trên lưng mẹ, được lon ton theo cha đi lẫn giữa dân làng, khi sống ngoài chòi rẫy, lúc len lỏi nương ngô, khi nằm mút ngón tay trên võng tòng teng nơi bìa rẫy, nghe tiếng suối, nghe gió, tiếng con mang tác, con chim rừng ríu ran và... cả tiếng hổ gầm, heo hộc”.

bia-tap-nhac-thu-2-vua-ra-mat-do-co-nghe-nhan-uu-tu-hben-suu-tam-viet-loi-moi.jpg
Bìa tập nhạc thứ 2 vừa ra mắt, do cố Nghệ nhân ưu tú H'Ben sưu tầm, viết lời mới. Ảnh: P.D

Sau ngày đất nước thống nhất, với nỗi nhớ quê hương, làng rừng, nghệ sĩ H’Ben quyết định về lại Gia Lai và được phân công làm Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên. Khi nghỉ hưu, bà cùng chồng là nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh lại tiếp tục xuống từng ngôi làng tìm gặp nghệ nhân để ghi chép, ký âm dân ca Bahnar và một số dân tộc anh em khác. Tiếc là đến khi bà qua đời thì ý nguyện xuất bản các tập nhạc mới thành hiện thực.

Tập nhạc thứ 2 cùng tiêu đề với tập đầu tiên, tập hợp những bài dân ca mà cả nhạc và lời đều mang vẻ đẹp không lẫn vào đâu được của âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Chất tình ca thấm đẫm với nhiều bài hát về tình yêu đôi lứa. Từ những cảm xúc tình tự ban sơ như: “Ta vẫn nhớ mãi tháng năm người về/Người về buôn em đến xem ngày pơ thi/Ai ơi đi mãi dáng người vẫn còn đó/Ai ơi về đâu dáng người vẫn còn đây” (Dáng người vẫn còn đó) đến sâu đậm, day dứt: “Em đã có người khác rồi/Ngày xưa anh không nói, ngày xưa anh dối lòng mình/Em buồn trái tim em buồn/Em đau trái tim em đau” (Mối tình).

Biên độ của 2 từ “tình yêu” mở rộng dần ra với cảm xúc rộng lớn hơn dành cho buôn làng, quê hương: “Kìa từng đàn chim trắng trên nương lúa/Ta thấy có đàn chim bay lượn trên nương hoa, hoa đỏ rực/Buổi sáng sớm mặt trời lên, buổi xế chiều mặt trời lặn/Con người thì gùi lúa về nhà, chim cũng bay về tổ (Những đàn chim trắng).

pho-giao-su-tien-si-pham-le-tuan-bia-trai-thay-mat-gia-dinh-don-nhan-tap-nhac-dau-tien-vao-nan-2022-anh-phuong-duyen.jpg
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn (bìa trái) thay mặt gia đình đón nhận tập nhạc đầu tiên vào năm 2022. Ảnh: P.D

Những bài dân ca được cố nghệ sĩ H’Ben đặt lời tự nhiên như tình cảm, suy nghĩ, lời ăn tiếng nói của người dân bản địa, mang đậm hơi thở cuộc sống mới song vẫn chuyển chở suối nguồn văn hóa dân tộc như bao đời vẫn thế. Đó là bài hát “Mừng chiến thắng” với nỗi vui khó tả: “Chiêng này ta đánh chiêng trong niềm hân hoan vui sướng/Xoang này xoang ta đứng dậy cùng xoang, nào ta cùng xoang/Ta cám ơn cách mạng giỏi giang, ta cám ơn bộ đội anh hùng/Ta vui mừng, làm ăn trong niềm hạnh phúc”.

Bài “Buôn em dưới thung lũng” thì quá rõ tâm tình của người phụ nữ quyết bỏ phố thị về Kông Chro dựng nhà sàn: “Buôn em dưới chân núi bên thung lũng Kông Chro/Có dòng sông Ba giữa phố nhỏ xinh tươi/Buôn em năm xưa đánh giặc không lùi bước/Buôn ta ngày nay kết đoàn xây dựng làng buôn đẹp tươi”.

Người tham gia phỏng dịch cả 2 tập nhạc là Đại úy Đinh Thị Giang Lễ (Phòng Công tác Đảng-Công tác chính trị, Công an tỉnh). Là người con Bahnar, lại từng học nhạc lý, chị Lễ cho hay bản thân rất hạnh phúc khi góp mặt trong nhiệm vụ trên.

“Trước nay, tôi chỉ nghe các bà, các chị hát dân ca chứ chưa thấy ai sưu tầm như cô H’Ben. Cô là người Bahnar đầu tiên trong tỉnh có 2 tập nhạc riêng được xuất bản. Tuy chưa từng được gặp cô H’Ben, chỉ biết qua lời kể của bác họ là nghệ sĩ múa Y Tư nhưng tôi rất yêu quý”-chị Lễ nói.

Đáng chú ý là hoạt động tri ân nghĩa tình dành cho cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben sắp diễn ra. Từ Hà Nội, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn-Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cháu gọi nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh là cậu ruột-thông tin: Gia đình dự kiến phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và một số đơn vị tổ chức đêm nhạc biểu diễn những bài dân ca do cố nghệ sĩ H’Ben sưu tầm vào tháng 3-2025, tại TP. Pleiku. Đây là tâm nguyện của gia đình từ nhiều năm qua nhưng đến nay mới có thể thực hiện.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn nhớ lại: “Khoảng năm 1970, tôi từng được nghe mợ tôi là nghệ sĩ H’Ben hát bài “Đợi chờ”, cũng là một bài dân ca Bahnar được đặt lời mới nhưng không rõ tác giả. Mợ H’Ben hát bài đó hay lắm, đến giờ tôi vẫn nhớ những câu: “Đan tấm áo em mong anh về/Thêu tấm áo em mong anh về/Mẹ bảo em rằng con phải chờ/Nữa mai mốt anh về/Trao của lễ ăn thề/Mẹ bảo em rằng con phải chờ/Thương anh mãi, em đợi chờ/Khi chiến thắng anh lại về”.

Theo tìm hiểu của P.V, trong tập nhạc chép tay của mình ngày trước, cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben có chép lại bài hát này và ghi rõ người đặt lời là nhạc sĩ Nhật Lai-người có 6 năm gắn bó với Tây Nguyên trước lúc tập kết ra miền Bắc nên am hiểu sâu sắc về âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Năm 2002, nhạc sĩ Nhật Lai được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn cho biết bài hát này sẽ được biểu diễn trong đêm nhạc tới đây.

Có thể bạn quan tâm