Ngày 7.2, Vườn quốc gia Núi Chúa (H.Ninh Hải, Ninh Thuận) cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện sinh thái học miền Nam (SIE)vừa phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm tại vườn bằng bẫy ảnh.
Các loài này thuộc khu hệ chim và thú kiếm ăn trên mặt đất, được phát hiện tập trung nhiều ở khu vực rừng bán khô hạn chuyển tiếp tại Vườn quốc gia Núi chúa.
Trước đó, các nhà nghiên cứu và Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa đặt 145 điểm bẫy ảnh trên toàn bộ lâm phần của Vườn quốc gia Núi Chúa để giám sát, theo dõi từ năm 2018 - 2022, phát hiện nhiều loài động vật đặc hữu nguy cấp cực kỳ quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam như: gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, gà so họng trắng, đuôi cụt đầu xám, đuôi cụt đầu xanh.
Theo các nhà nghiên cứu, điểm mới của phát hiện lần này là đa số các loài được phát hiện đều tập trung ở khu vực rừng bán khô hạn chuyển tiếp (dạng sinh cảnh trung gian giữa rừng mưa nhiệt đới thường xanh và rừng khô hạn ven biển) trong khu vực Vườn quốc gia Núi chúa.
Theo PGS.TS Lưu Hồng Trường - chuyên gia thực vật, Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam, nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của sinh cảnh chuyển tiếp trong bảo tồn và sự cần thiết phải bảo vệ những diện tích rừng còn sót lại rất ít ở khu vực ven biển các tỉnh Nam Trung bộ, nổi bật là Vườn quốc gia Núi Chúa.
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy chúng ta cần chú trọng đến kiểu rừng bán khô hạn trong các hoạt động bảo tồn tại vườn. Đây là khu vực có mức độ đa dạng loài cao nhất so với các sinh cảnh khác và là nơi sinh sống quan trọng của loài cheo cheo lưng bạc, một loài biểu tượng của Vườn quốc gia Núi Chúa.
Theo Thiện Nhân (TNO)