“Bay dù lượn không? Lên trời lơ lửng, nắng gió chói chang...”, bạn tôi rủ. Vậy là tạm xa TP.HCM, tôi lên đường tới xã Mỹ Đức, H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng, lần đầu trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm này.
Dù lượn trên đỉnh Con Ó của Đạ Tẻh, Lâm Đồng - Ảnh: Thúy Hằng |
Xuất phát ở TP.HCM lúc 7 giờ 30 phút sáng, sau 4 tiếng trên xe, chúng tôi có mặt ở bãi dù. Đó là đỉnh Con Ó, ngọn núi sừng sững ở Đạ Tẻh, cao 600 m so với mực nước biển. Nhóm của chúng tôi có 4 người, đều là những người lần đầu tiên bay dù lượn. Bay đôi, tức là có phi công điều khiển mọi thứ, mình chỉ việc trang bị bảo hiểm, trang phục thể thao, sức khỏe và một số động tác kỹ thuật như chạy đà khi cất hạ cánh, song ai nấy cũng không kém hồi hộp.
Bay nào…
Chúng tôi có 10 phút được hướng dẫn các thao tác, kỹ năng an toàn. Sau khi quan sát các phi công bay đơn trước, và ngưỡng mộ họ bay vút lên trời đầy tự do như trong những thước phim mình được xem, chúng tôi cũng được vào… vai chính. Một ê kíp ở bãi bay giúp tôi mang thiết bị bảo hiểm, nối phần đai vào dù của phi công, kèm những lời nhắc: “Hãy chú ý quan sát phía xa trước, đừng nhìn xuống đất dễ thấy choáng. Chóng mặt là phản xạ đầu tiên của những ai mới bay lần đầu, nhưng có thể tự nhắm mắt đôi chút và mở mắt tận hưởng thiên nhiên xung quanh”.
Tôi được bay cùng phi công Lưu Minh Hoàng Sơn (Sơn Bồ Câu), người đã có 20 năm bay dù và từng tham gia nhiều sự kiện bay dù quốc tế, hiện đang là huấn luyện viên của nhiều phi công. Nghe lý lịch về anh Sơn, tôi quên hết nỗi sợ chập chờn từ sáng sớm. “Chạy nào”, anh Sơn hô, chỉ vài bước thôi đã thấy mình bay giữa không trung. Đó không còn là cảm giác như ngồi trên máy bay nữa.
Hương Linh, cô gái khởi nghiệp... trên trời - Ảnh: Hương Linh |
Gió, nắng, mây chan hòa quanh mình. Gió và những cột khí nóng đang nhấc bổng chúng tôi lên. Đèo Con Ó như một dải lụa uốn lượn trong nắng chói chang, lúp xúp những quả đồi tròn như bát úp. Hồ Đạ Tẻh nước xanh ngắt như màu ngọc bích. Bạt ngàn điều và cà phê trổ bông, tôi đang ngửi thấy mùi hoa cà phê thơm ngát giữa không trung. Có thoáng chốc cảm giác nôn nao, choáng váng do tôi chưa quen với thay đổi độ cao và ngồi dưới một chiếc dù, nhưng thật sự, nỗi sợ hãi mau chóng qua đi nhường cho sự thích thú. Chúng tôi, những người trẻ lần đầu trải nghiệm bay dù đã chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình.
Gặp tôi dưới tán cây trên đỉnh đồi Con Ó, anh Himanheu, 30 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, thầy giáo yoga tại Trung tâm Gasala (đường số 1, cư xá Đô Thành, Q.10, TP.HCM) và bạn gái mình Nguyễn Thị Ánh Ngọc tiếc ngẩn ngơ vì phi công chỉ cho họ bay trên trời 13 phút. “Tôi rất hồi hộp và lo lắng, nhưng khi bay lên trời rồi thì chỉ còn một từ: thích. Cảm giác bay càng lên cao thì càng mát, mình như được giải phóng, chiêm ngưỡng cảnh sắc xung quanh”, anh Himanheu nói. Trong khi chị Ánh Ngọc thì cho biết, sẽ còn trở lại để một lần được bay men theo hồ Đạ Tẻh trong ngày thời tiết thuận lợi hơn.
Cô gái trẻ khởi nghiệp trên… trời
Bay sau chúng tôi là hai phi công nữ trẻ măng, chỉ mới ngoài 20 tuổi, họ làm việc tại TP.HCM nhưng cuối tuần đến các bãi bay để có thể thỏa mãn niềm yêu thích chinh phục độ cao. Đó là Lê Nguyễn Uyên Thao và Nguyễn Thụy Đa Ni, họ học bay dù hơn 3 tháng qua và đến nay đã có thể tự bay một mình, có chỉ huy, hỗ trợ qua bộ đàm của ê kíp dưới mặt đất. Trải dù lượn ra bãi, kiểm tra kỹ lưỡng các mối dây, sẵn sàng chờ hướng gió, rồi sau đó chỉ một cú xoay người lẹ làng, Đa Ni hay Uyên Thao đã bay vút lên thinh không. Sự bình tĩnh, tự tin của họ khiến chúng tôi, những người lần đầu được bay đôi đều cảm thấy thèm thuồng.
Tác giả bài viết trải nghiệm bay dù lượn trên bầu trời - Bảo Vy |
Song, cô gái trẻ ở Đạ Tẻh khiến chúng tôi ngưỡng mộ hơn, vì biết bay đã lâu và còn khởi nghiệp với dù lượn. Đó là Nguyễn Hương Linh, 29 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Yêu thích thể thao mạo hiểm, thành thạo cưỡi ngựa, có bằng phi công bay dù, mới đây Linh và nhóm bạn cùng đam mê mở công ty du lịch ở ngay Đạ Tẻh, cung cấp dịch vụ du lịch bay đôi cho khách cũng như bãi bay cho các phi công dù lượn trong nước và quốc tế, trong các sự kiện. Tầm nhìn xa hơn, cô sẽ mở homestay, các dịch vụ tiện ích cho khách lưu trú, ngắm cảnh cao nguyên.
“Lâm Đồng là một trong số ít tỉnh thành ở phía nam có địa hình bay thuận lợi, với nhiều dãy núi có điểm cất cánh tốt, khí hậu ổn định. Điểm bay dù lượn Đạ Tẻh có đường đi thuận lợi, chỉ cách đường chính 3 phút lái xe, dễ tìm đối với khách du lịch. Như bạn đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, thì đây là đỉnh có độ cao tốt nhất khu vực, phong cảnh cũng đẹp hiếm thấy. Chúng tôi muốn cho khách du lịch từ khắp nơi được chiêm ngưỡng nhiều góc cạnh đẹp đẽ khác của cao nguyên Lâm Đồng, rằng Lâm Đồng không chỉ là Đà Lạt, mà còn là vô vàn những dãy núi nên thơ nhìn từ trên cao”, Linh chia sẻ lý do cô quyết định khởi nghiệp... trên trời.
Các phi công chuẩn bị bay dù lượn - Thúy Hằng |
Linh cho biết, lbay dù lượn là môn thể thao mạo hiểm liên quan an ninh không phận, bãi bay được các đơn vị có thẩm quyền kiểm tra, cấp phép. Mọi thiết bị sử dụng cho bay đôi được kiểm tra định kỳ và kiểm tra lại trước - sau mỗi chuyến bay. Khó khăn lớn nhất, với những bạn trẻ đang khởi nghiệp, đó là sự tiếp nhận của du khách. Dù lượn trên thế giới khá phổ biến, thậm chí ở một số điểm bay, khách phải đăng ký hằng tuần mới tới lượt. Còn ở Việt Nam , đó vẫn còn là một sự mới mẻ. Nhưng thách thức thì nghề nào cũng có, làm sao để phát triển du lịch hơn cho Đạ Tẻh, là tham vọng của Linh.
Theo Thúy Hằng (ThanhNiên)