Ngày 31.1, bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Hùng Trí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Đơn vị Nội soi Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết tại khoa Cấp cứu, ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định chụp X-quang ổ bụng, kết quả phát hiện đồng xu đã ở dạ dày.
Sau hội chẩn khẩn, các bác sĩ thống nhất chỉ định nội soi can thiệp. Ê kíp nội soi đã lấy đồng xu ra khỏi dạ dày bệnh nhi. Sức khỏe bệnh nhi ổn định và được xuất viện về ngay sau đó.
Bác sĩ Trí cho biết bệnh nhi này được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời, nếu không dị vật nằm lại trong đường tiêu hóa sẽ gây ra những biến chứng nặng nề hơn như thủng ruột, tắc ruột,...
Đồng xu trong dạ dày trẻ |
Cảnh giác tai nạn ở trẻ dịp tết
Bác sĩ Trí lưu ý những trẻ trong độ tuổi từ 1-5 tuổi, thích khám phá nên trẻ có thể nuốt bất cứ dị vật nào vào cơ thể. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các gia đình thường chuẩn bị nhiều loại bánh, trái, thạch rau câu, hạt bí, hạt dưa, mứt,... các đồ chơi trang trí với nhiều màu sắc mà trẻ rất thích. Do đó quý phụ huynh lưu ý cần giám sát, lựa chọn đồ ăn, đồ chơi phù hợp, tránh để trẻ chơi với những vật nhỏ, gọn vừa tầm tay; các loại đồ chơi, vật dụng có pin thì vị trí lắp pin nên được cố định chắc chắn.
Nếu phát hiện dị vật trong cơ thể trẻ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là phải bình tĩnh, tìm cách trấn an trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế có đơn vị nội soi để xử trí gắp dị vật kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trong thời điểm cận tết, nhiều trẻ được cho nghỉ học về quê đón tết, tuy nhiên phụ huynh thường bận rộn nên việc giám sát có thể không kỹ dẫn đến các tai nạn sinh hoạt hằng ngày như dị vật đường thở, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, điện giật, phỏng.
Cách xử lý khi trẻ hóc dị vật
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đoàn Thị Thanh Hồng, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 1, chia sẻ khi trẻ bị hóc dị vật phụ huynh cần bình tĩnh, thực hiện các thủ thuật dựa trên các nhóm tuổi sau:
Vỗ lưng, ấn ngực (đối với trẻ dưới 2 tuổi):
Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ trẻ ưỡn tránh gập đường thở.
Sau đó dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái vào lưng trẻ (ở khoảng giữa hai bả vai).
Nếu thấy trẻ còn khó thở, tím tái lật ngửa trẻ sang tay phải và dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 xương ức 5 lần. Tiếp tục luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc thấy trẻ khóc được.
Thủ thuật Heimlich (đối với trẻ trên 2 tuổi):
Tư thế ngồi hoặc đứng phía sau người trẻ sao cho thuận tiện vòng hai tay qua người trẻ. Bàn tay trái tạo thành nắm đấm, đặt ngay thượng vị, dưới mũi ức phía trước ngực và bàn tay phải ôm lấy nắm đấm. Ấn mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên cho đến khi dị vật ra ngoài.
Sau khi thực hiện các thao tác này, phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám dù trẻ đã nôn ra dị vật.