Thể thao

Bể bơi thông minh: Giải pháp phòng tránh đuối nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ là vấn đề cấp bách được gia đình và toàn xã hội quan tâm, vào cuộc. Vì vậy, khi mô hình bể bơi thông minh được triển khai ở một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Pleiku, đông đảo phụ huynh và học sinh đã nhiệt tình hưởng ứng.
Thành phố Pleiku là địa phương có đông dân cư, mật độ dân số dày nhất tỉnh. Trên địa bàn hàng năm vẫn xảy ra tình trạng trẻ em đuối nước ở những nơi có ao, hồ, hố nước dùng vào việc tưới tiêu, hố nước hình thành do khai thác đá chưa kịp san lấp… Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em thiếu kỹ năng bơi lội, thiếu sân chơi. Chừng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố đã có những hồ bơi tư nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu bơi và học bơi cho mọi tầng lớp nhân dân. Riêng với học sinh, những kiến thức cơ bản để phòng tránh đuối nước đã được đưa vào chương trình học, đó là bộ môn Giáo dục thể chất bắt buộc đối với học sinh THPT. 
 Buổi dạy bơi tại hồ bơi thông minh ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: Đ.P
Buổi dạy bơi tại hồ bơi thông minh ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: Đ.P
Ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Năm học 2018-2019, từ nguồn ngân sách, UBND thành phố đã mua 3 chiếc bể bơi thông minh hệ thống lọc nước tuần hoàn, thể tích 1,5x6x15 m, gồm cả mái che vòm, tường bao bằng lưới sắt phủ kín, mặt cỏ nhân tạo bờ rộng 1 m chạy viền chung quanh bể, tủ sắt đựng đồ dùng cá nhân, nhà tắm, hệ thống đường bơm nước… Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tham mưu chọn vị trí đặt bể bơi theo hướng: ở những trường còn diện tích đất chưa sử dụng tương đối xa lớp học, có cự ly gần với nhiều trường khác ở cả 2 cấp học nhằm thu hút đông đảo học sinh; phân bố theo cụm dân cư địa bàn thành phố”. Theo đó, các bể bơi trên đã được lắp đặt tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring), Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá) và Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Biển Hồ).
Theo quan sát của chúng tôi, bể bơi tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ngay từ buổi học đầu tiên (ngày 18-2), ở cả 2 buổi sáng/chiều đã có khá đông học sinh tham gia lớp học, gồm cả các em của Trường THCS Nguyễn Du. Huấn luyện viên Phạm Tiến Dũng chia sẻ: “Khóa học bơi theo dự kiến kéo dài chừng 14 buổi, mỗi buổi không quá 90 phút. Các em sẽ được trang bị kiến thức lý thuyết cơ bản về các kỹ thuật bơi, sẽ biết bơi với vài kỹ thuật cơ bản. Trên nền kỹ năng đó, học sinh có thể tự tập, tự rèn nâng cao trình độ. Nếu cần thiết, có thể tham dự các lớp học bơi có kỹ thuật cao hơn”.
Anh Thắng, một phụ huynh có con đang theo học lớp 2 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn tâm sự: “Quê tôi ở vùng biển thuộc tỉnh Phú Yên. Thời trẻ tôi sống bằng nghề đi biển. Thế mà đến lượt con mình, mỗi dịp về quê chúng chẳng dám bước chân xuống nước. Được cô giáo chủ nhiệm thông báo trường có bể bơi thông minh, có tổ chức lớp học bơi, tôi liền sắp xếp thời gian đưa đón con đi học ngay”.
Mô hình bể bơi thông minh là giải pháp hữu hiệu cho trẻ học bơi, cần được nhân rộng, xã hội hóa. Tuy thế, cần thiết phải nhắc nhau rằng biết bơi là chưa đủ; quan trọng hơn, trẻ phải có kỹ năng an toàn dưới nước. Và trên hết cần chú trọng trách nhiệm quản lý của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc không để trẻ tự tắm ao hồ, sông suối.
Đình Phê

Có thể bạn quan tâm