Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bên bếp ấm...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày chưa có điện không gian làng hằng đêm vẫn ấm sáng bên bếp củi tí tách lẫn trong khúc dân ca da diết của amế.



Tôi nhớ nhất không gian nhà sàn, nơi có bếp củi luôn đỏ lửa mỗi chiều về. Bếp lửa chứng kiến những cuộc di trú do thiên tai, dịch bệnh, hay khi tìm về vùng đất mới lập làng mới, những mùa màng bội thu.

Bếp chứng kiến những lễ cúng tế, những mùa hội lớn nhỏ của làng, cả niềm vui khi làng có thành viên mới ra đời cất tiếng khóc đầu tiên, cả buồn đau khi có người qua đời.

Đàn ông Cơ Tu. Ảnh: L.T.K
Đàn ông Cơ Tu. Ảnh: L.T.K


Tôi nhớ câu nói của ama tôi “Lửa là hơi thở sống, lửa là yêu thương, lửa là khát vọng, lửa là sự đùm bọc sẻ chia vượt qua khó khăn, vượt qua những sợ hãi, lửa là niềm tin chiến thắng…”. Và, cứ thế bao mùa tặng củi giữa các làng, giữa các nóc nhà sàn luôn ấm áp tình người nơi ngọn nguồn sông Lăng quê tôi.

Bếp là nơi khơi nguồn các truyện cổ, sự tích để cho ama, amế, ava, adích, người già thức kể đêm đêm cho lớp lớp bọn trẻ chúng tôi nghe để biết thức tỉnh, sống có tâm, có đức, yêu thương nhau, tránh xa cái ác, cái xấu.

Truyện về sự đoàn kết giữa các làng để giữ rừng, giữ từng tấc đất thiêng liêng; truyện về hành trình con chim kalang đi tìm vùng đất hứa. Và bao sự tích về nguồi cội, về các dòng họ của người Cơ Tu bắt nguồn từ các khu rừng thiêng lim xanh, pơmu, đỗ quyên, từ các dòng sông, con suối, muông thú, về các thần rừng.

Bếp là nơi ama dạy con trai vót chông, thò, làm nỏ ná bắt thú dữ, đánh giặc giữ làng; dạy con trai chạm khắc tượng gỗ mang hồn núi như con chim mồi nhồng, con gầm ghì, chim phượng hoàng.

Bếp là nơi ama dạy con trai rèn rựa, rìu, đan nong, nia, gùi, tơ léc; dạy con chế tác và chơi các loại nhạc cụ như khèn, ahen, cơr dool, abel, ân jrưl; dạy con đánh trống, chiêng, thanh la, thổi tù và; dạy con nói lý, hát lý, dạy con múa tâng tung hùng dũng kiên cường; dạy con biết hương ước, quy ước của làng, cách đi săn; dạy con chạy nhanh như con sóc, khỏe mạnh như con voi, cây lim rừng, mắt sáng như con chim kalang, tâm trong sạch như suối nguồn Đha, Pơr’ning.

Bếp còn là nơi amế dạy con gái chụm củi không để cháy sàn, dạy con gái cách đan chiếu, gối bằng lá dứa rừng; dạy con gái cách trồng cây bông, kéo sợi len, cách luồn hạt cườm, dệt nên những thổ cẩm mang văn hóa Cơ Tu; dạy cách gói, nấu bánh sừng trâu, nướng cơm lam, làm món zirá; dạy con gái hát dân ca Ba booch; dạy cách nấu rượu sắn (rượu cần); cách chọn hạt giống lúa, bắp, trồng hoa màu nơi nương rẫy. Bếp cũng là nơi để cho người già trao truyền cho con cái những câu thần chú và các bài thuốc y học cổ truyền cho lớp thế hệ mai sau trong gia đình, dòng họ.

Những chiều mưa rừng, bọn trẻ chúng tôi ngày ấy thường ngồi quây quần quanh bên bếp sàn, vừa đưa mắt chờ củ sắn lùi thơm ngon vùi kín dưới lớp tro ấm vừa nghe amế kể chuyện…

 

Theo KALANG (QNO)

 

Có thể bạn quan tâm