Du lịch

Bến trong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi yêu những dòng sông, khi băng trên những con đường hun hút chênh vênh, khi ra Bắc vào Nam, dù ngược hay xuôi, từ trên cao nhìn xuống hay đứng phóng tầm mắt ra xa, những dòng sông lấp lóa nắng trưa, những dòng ngược xuôi luênh loáng ráng chiều, thấy thiết tha niềm thương mến trôi xa. Những dòng sông không trở lại, như thôi thúc ta tìm kiếm một điểm dừng.

Bao lần đi rồi về từ Pleiku đến xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), tôi nhận ra “điểm dừng” thú vị ấy khi lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Từ TP. Pleiku, đi theo hướng Tây khoảng 60 km, qua bạt ngàn vòm cao su xanh tắp sẽ thấy dòng Sê San thấp thoáng uốn lượn xa xa dưới những chân đồi, triền núi, trôi trong lưu luyến, dư vang của cảnh sắc đất trời và cuộc sống con người vùng biên.

Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Linh

Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Linh

Nếu chỉ nghĩ đến dòng chảy của con sông và những hồ tích nước như một phần tất yếu của các công trình trên bậc thang thủy điện, có lẽ con sông và lòng hồ này không đặc biệt đến vậy, cũng không thể khiến người ta “phải lòng” và “dừng chân” nhiều đến thế. Ấn tượng đầu tiên về vùng lòng hồ Sê San 4 là sự xóa mờ những gì thuộc về nhân tạo. Nếu không thấy những con đập bê tông cao vút kiên cố kéo dài hàng trăm mét với những cửa xả tràn sừng sững, có lẽ ta vẫn nghĩ đó là chỗ phình rộng nhất của lòng sông. Nơi đây, “nước trời một sắc”, thiên thủy hữu tình.

Khi chỉ còn tiếng động cơ phành phạch của con thuyền nhịp vào lặng im trời-mây-nước, bỏ xa những tấp nập ồn ào, ta cứ ngỡ mình lạc vào cõi nước non nào miên viễn xa xôi. Cảnh quan lòng hồ với những cù lao lớn, nhỏ là dấu tích của đồi núi xưa ngập nước đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú hiếm có, tất cả liền lạc một khối hồ-sông-núi hài hòa đặc trưng cho Tây Nguyên, vừa nhân tạo vừa nguyên sơ, thiên tạo.

Tôi đã không giấu nổi niềm ngạc nhiên thích thú khi lần đầu được đi xuồng máy trên lòng hồ, băng qua những cù lao xanh thẫm không một bóng người, sóng tành tạch vẽ vào mênh mông xanh ngọc mặt hồ màu thiên thanh thăm thẳm của trời thu. Trong miên man nước chảy mây trôi, hàng nối hàng những thân cây tróc vỏ, khẳng khiu điểm vào sắc xanh bao la của trời của nước màu trắng bạc lõi gỗ. Chúng hiện diện giữa dòng như đánh dấu cho chốn thung cũ khe xưa. Rồi đây, chúng sẽ mục ruỗng hay trở thành lũa đá, sẽ tan biến như chưa từng hiện diện hay sống một đời kiếp khác, sẽ minh chứng cho sự bất lực hay băng hoại của thời gian? Hữu hạn đời người khó đưa ta đến cùng đích của sự thấu tỏ. Chỉ biết, khi những ngẫm ngợi đã trôi xa theo con nước, dáng cây trụ giữa dòng vẫn lơ lửng neo vào lòng khách một nỗi ngậm ngùi cô đơn.

Tôi cũng không giấu nổi niềm ngạc nhiên thích thú khi lần thứ ba trở lại với lòng hồ. Vẫn không gian bình yên như cũ, vẫn mặt hồ ăm ắp đầy vơi. Chỉ có khác là trời âm u mây phủ, nước bàng bạc vàng màu phù sa non của mùa nước nổi. Một vẻ đẹp không nói nên lời. Bất giác, tôi mường tượng tới cảnh lòng hồ không phải khi nắng lóa buổi trưa, không phải khi mưa rây sương mờ phủ bụi mà là lúc bình minh vừa bừng thức trên những rặng đồi xa, loang loáng vệt hồng lấp lánh theo con sóng, hay khi bóng trăng treo trên những nhánh khô gầy, lặng im phản chiếu ánh biếc vàng vào quạnh hiu non nuớc, vào tịch tĩnh những khu nhà nổi lập lòa đèn đêm. Đó có lẽ là những khoảnh khắc thầm kín thi vị mà du khách lòng hồ khó có thể bắt gặp nếu không sống cuộc đời sông nước của cư dân nơi đây. Hồ trên núi, làng chài trên cao nguyên, những cái tên hé gợi một sự kết hợp không ngờ.

Những căn nhà nổi dập dềnh nối nhau trên mặt nước như điểm vào thiên nhiên một sức sống mới lạ kỳ. Không ồn ào, không quá đông đúc, cuộc sống của dân chài lặng im cần mẫn hòa vào cái mênh mông yên ắng của núi đồi. Không một cọng rác, bì ni lông hay chai nhựa trôi nổi quanh nhà bè. Cái làm tôi cảm động không chỉ là ý thức giữ gìn cảnh quan môi sinh của người dân mà là một điều gì đó như hữu tình, hữu ý giữa thiên nhiên với con người. Họ không phải là người dân bản địa mà chủ yếu là người miền Tây sông nước xa xôi ngược nắng ngược gió lên Tây Nguyên lập nghiệp. Phong cảnh nên thơ, con người thân thiện, thiên nhiên sông nước hào phóng bốn mùa ăm ắp cá tôm đã khiến những người con xa xứ ấy có nhiều lý do để nên duyên, gắn bó với mảnh đất Gia Lai, với lòng hồ này.

Trộm nghĩ, bất kỳ sự lựa chọn, gắn kết ban đầu nào cũng đầy ngỡ ngàng, may rủi, giống như thân gái lấy chồng 12 bến nước, biết bến nào đục bến nào trong? Nhưng khi con sông Sê San từ đại ngàn được ngăn dòng dẫn nước vào lòng hồ rồi từ đó tỏa ra bao trong xanh, trù phú, bao sự sống, cuộc đời neo đậu, tôi vẫn nghĩ đó là “bến trong”, là duyên lành hữu ý giữa đất và người. Lòng hồ Sê San mênh mông sóng nước, dù mưa hay nắng, dù đầy hay vơi vẫn dạt dào sự sống. Hào phóng của đất trời và nếp sống bình dị của làng chài đã điểm lên chất sống ấy tất cả những gì thực an nhiên và tĩnh tại, tựa như đã vượt qua được sự chọn lọc âm thầm khắc nghiệt của tự nhiên để hòa vào tự nhiên một cách nhuần nhị, nguyên vẹn nhất.

Lòng du khách buông lơi theo lòng hồ thơ mộng mà như đang bập bềnh trôi trên mơ hồ sóng nước Sê San. Những cọc gỗ lô nhô chìm nổi trên mặt nước vẫn còn đứng đó, hiện diện như một lời hồi đáp thỏa đáng, một niềm biết ơn sâu kín cho sự sống và niềm tin đang phơi phới tỏa lan trên bao la lòng hồ.

Có thể bạn quan tâm