Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân mắc thủy đậu bị suy nội tạng, rối loạn đông máu trầm trọng, rất khó để qua khỏi.
Bệnh nhân mắc thủy đậu đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Bệnh nhân N.T.M. 28 tuổi, ở nông trường Mộc Châu, Sơn La.
Người nhà bệnh nhân cho hay, thấy trên người xuất hiện nốt phỏng, sau đó người nhà bệnh nhân tự mua thuốc về uống. Chỉ sau 2 ngày uống thuốc, bệnh nhân sốt cao, xuất hiện các nốt phỏng nước trên da dày đặc.
Sáng 13-5, bác sĩ Vũ Minh Điển (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho hay, mạch của bệnh nhân xuống liên tục dù đã được dùng thuốc vận mạch, bệnh nhân tiên lượng trong tình trạng xấu và rất khó có thể qua khỏi.
Theo bác sĩ Điển, trước thời điểm nhập viện 4 ngày, bệnh nhân N.T.M (28 tuổi) sốt, đau họng, đau người, trên cơ thể xuất hiện mụn nước, người nhà đi mua thuốc điều trị trong đó có kháng sinh, chống viêm, thuốc Medrol (là một loại corticoif).
Các thuốc corticoid làm giảm viêm, nhưng có thể gây giảm miễn dịch khiến virus bùng phát mạnh mẽ hơn, là yếu tố tăng bệnh nặng cho bệnh nhân.
Ngay tại thời điểm nhập viện cách đây 3 ngày, các bác sỹ đã tiên lượng là ca thủy đậu nặng bởi ban trên người bệnh nhân dày đặc, nốt phỏng to, người bệnh mệt nhiều. Sau nửa ngày nhập viện bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu để theo dõi, điều trị chặt chẽ hơn.
Ngày thứ 3 nhập viện bệnh nhân nổi phỏng nước toàn thân, nốt to hơn so bình thường, đáp ứng điều trị kém. Đặc biệt, xuất hiện hình thái xuất huyết trong nốt phỏng nước. Bệnh nhân xuất huyết dưới da nhiều, rối loạn đông máu toàn bộ, tiêu hết các yếu tố đông máu, suy đa phủ tạng, tiên lượng rất xấu.
Bác sĩ Điền cũng cảnh báo, thủy đậu vốn lành tính, nhưng năm nay thủy đậu diễn biến nhiều ca nặng. Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo người dân khi nổi mụn nước nghi thủy đậu nên đi khám để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị, không tự ý mua thuốc uống.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết thêm, từ đầu năm đến nay đã có 2 bệnh nhân tử vong do thủy đậu, đều liên quan đến việc tự mua thuốc điều trị có corticoid.
Bác sĩ Cấp phân tích, bệnh nhân thủy đậu sau dùng corticoid thì diễn biến rất nặng nên bệnh nhân thủy đậu cần hết sức thận trọng, không tự ý mua thuốc, đặc biệt các thuốc chứa corticoid uống khi bệnh đang diễn biến cấp tính.
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, trong năm 2017, số trường hợp mắc bệnh thủy đậu ở mức cao gần như khắp cả nước.
Năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016.
Bệnh thủy đậu có tốc độ lây lan cao, trong khi phương pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin.
Vắc xin phòng bệnh thủy đậu hiện nay vắcxin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vắc xin dịch vụ, độ phủ vắcxin không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đi tiêm phòng bệnh tại các điểm tiêm có vắcxin này.
Biểu hiện của bệnh thủy đậu gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Ở người khỏe mạnh, thủy đậu thường lành tính và ít để lại di chứng.
Phần lớn người bị thủy đậu thường tự khỏi và không để lại sẹo, tỷ lệ biến chứng chỉ 1% do nhiễm trùng huyết, viêm não...
Thùy Giang (Vietnam+)