Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

"Bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh thời, Bác Hồ đã từng chỉ ra: “...Bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ quan, mệnh lệnh, hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng… Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, bệnh quan liêu dẫn tới chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng”.

    Cán bộ chủ chốt học tập chuyên đề đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng chỉnh đốn Đảng.   Ảnh: T.N
Cán bộ chủ chốt học tập chuyên đề đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Ảnh: T.N

Từ lâu Bác đã dạy như vậy, song trong thực tế, cho tới ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nếu nghiêm túc nhìn nhận từ bản thân mình, đồng chí xung quanh mình, trong chi bộ, cơ quan, đơn vị mình, chúng ta có vướng phải bệnh quan liêu không? Xin trả lời ngay, chúng ta đã nhiều năm nay, từ trung ương đến cơ sở, liên tục tổ chức nhiều đợt học tập và làm theo tấm gương của Bác, nhưng căn bệnh trầm kha này vẫn tồn tại. Nói là phải sâu sát cơ sở, gần gũi, hiểu biết tâm tư nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, nhưng việc làm thì liệu có đúng như nói? Ngày nay, hầu hết cán bộ, đảng viên đều “ở trong dân”, ở ngay địa bàn dân cư, thế nhưng có bao nhiêu người hiểu được dân. Những chuyến lãnh đạo các cấp đi-cơ-sở, có thể nói đi thì có, nhưng hiểu gì về cơ sở thì chưa chắc. Nghe báo cáo, khen mấy điều, chê mấy việc, rồi phán mấy câu là xong. Nhiều khi gây phiền hà cho cấp dưới bởi cùng với lãnh đạo là hàng loạt cơ quan, ban ngành “tháp tùng”, bao nhiêu chuyện khó khăn, ách tắc mà cấp dưới phản ánh, đề xuất thì bảo ghi nhận, nghiên cứu... Rồi chuyện đâu lại vào đó.

Bệnh quan liêu mà theo Bác là nguy cơ của một đảng cầm quyền, bệnh ấy sinh ra bao căn bệnh khác. Bác ví dụ rất rõ về chuyện này: Trong công việc thì “Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc theo lối “quan” chủ. Có một “bệnh” mà chúng ta rất dễ nhìn thấy, đấy là “bệnh vô cảm”; còn nhớ, đã từ rất lâu, vào những năm 80 của thế kỷ trước, một số cơ quan truyền thông của Đảng đã cảnh báo loại bệnh này là “bệnh MAKENO” (mặc kệ nó). Bác cũng đã từng chỉ ra căn bệnh này là: Không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí, mà lại chỉ biết lo cho mình. Trong cơ chế kinh tế thị trường, đồng tiền đã làm lu mờ nghĩa tình đồng bào, đồng chí, không ít cán bộ, đảng viên trở thành nô lệ của đồng tiền. Điều đó, Bác từng bảo đại ý, viên đạn bọc đường đáng sợ hơn nhiều so với những viên đạn khác. Bác bảo, cái gì có lợi cho dân thì làm. Đúng ra là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền chạy theo... cái lợi cho cá nhân là trước hết, bởi vậy nên mới có chuyện hàng loạt dự án, công trình hàng ngàn tỷ đồng, nơi thì bỏ hoang, chỗ thì “đắp chiếu”, cái thì thua lỗ triền miên, bỏ thì thương, vương thì tội. Đó là tiền của nhân dân, của Nhà nước cho nên những người “trong cuộc” nào có xót xa, miễn mình đã có... phong bì, đã có phần trăm là được. Bệnh vô cảm “lên ngôi” là từ đấy, từ quan liêu mà ra cả!

Bác bảo rằng: Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”. Theo Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc; “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người  xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Nguyên nhân của bệnh quan liêu mà theo Bác là: do “Xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”. Quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, là “kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”, là “bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”-Bác khẳng định điều này là như vậy!

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, đối chiếu vào những điều Bác chỉ dạy từ những năm xưa, thiết nghĩ mọi người, mọi cán bộ, đảng viên từ cơ sở đến các cấp lãnh đạo, hàng năm cần tự giác kiểm điểm lại mình, sửa chữa những điều sai trái, khuyết điểm của chính mỗi người, dẫu đã muộn nhưng nếu không quyết tâm làm thì lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ sẽ ngày càng mờ nhạt, sẽ là “nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền” như Bác từng chỉ ra.

 Bích Hà

--------------------------
Tham khảo Chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2016.

Có thể bạn quan tâm