Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Sửa đổi lối làm việc với việc tu dưỡng đạo đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nay vừa đúng 70 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Những nội dung của tác phẩm này giờ đây vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở số nhà 54 (1957)
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở số nhà 54 (1957)


1. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc gồm 6 phần chính là Phê bình và sửa chữa, Mấy điều kinh nghiệm, Tư cách và đạo đức cách mạng, Vấn đề cán bộ, Cách lãnh đạo và Chống thói ba hoa.

Trong phần Phê bình và sửa chữa, tác phẩm khẳng định thành tựu của Đảng khi lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, thế nhưng trong điều kiện mới, khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền có nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân kháng chiến thì nhất thiết phải “sửa đổi lối làm việc”. Cán bộ, đảng viên cần kiên quyết khắc phục 3 loại khuyết điểm chính đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Theo Người, chỉ khi nào mỗi cán bộ, đảng viên khắc phục được 3 căn bệnh này thì mới có khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo nhân dân. Người cũng chỉ ra cách khắc phục các căn bệnh này là phải thông qua học tập, phê bình.

Trong Mấy điều kinh nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 kinh nghiệm từ thực tế hoạt động, công tác để cán bộ, đảng viên làm tốt công việc của mình. Những kinh nghiệm này đều gắn với yêu cầu khắc phục các khuyết điểm đã được chỉ ra ở phần phê bình và sửa chữa. Đặc biệt, Người đề cao vai trò của cán bộ, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1). Người cũng chỉ ra rằng rất nhiều chính sách của chúng ta thì đúng, nhưng cách làm thì sai. Đặc biệt, Người cho rằng tất cả các công việc mà Đảng, Chính phủ làm cũng đều là vì nhân dân: “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”(2).


Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(3). Người nêu rõ những lý tưởng, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động cơ bản của Đảng ta; trách nhiệm của người đảng viên, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; phân tích các khuyết điểm, thói tật, căn bệnh cụ thể mà họ thường mắc phải và chỉ ra những biện pháp để khắc phục những khuyết điểm này. Người cũng cho rằng “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ để hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(4). Từ đó, Người đã phân tích sâu sắc 5 nội dung cơ bản trong vấn đề chung về công tác cán bộ; chỉ ra phương hướng, biện pháp mà Đảng, Chính phủ cần thực hiện để sử dụng và phát huy tốt vai trò tác dụng của đội ngũ cán bộ. Người đã dành một phần lớn nội dung để chỉ dẫn về cách lãnh đạo, theo đó, người lãnh đạo chẳng những phải lãnh đạo quần chúng mà cần phải học hỏi quần chúng và cắt nghĩa: “Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu…Vì vậy, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng để thêm cho kinh nghiệm của mình”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh xem thói ba hoa là chứng bệnh giống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và cho rằng chúng thường đi với nhau và gây hại như nhau. Vì vậy, người yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải khắc phục thói tật này.

2. Một điều đặc biệt của tác phẩm này, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trái tim, khối óc tinh tường và mẫn cảm của mình đã có khả năng nhìn thấu suốt những khía cạnh của đời sống, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, trong thư Gửi cho các kỳ, huyện, tỉnh và làng ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những lỗi lầm nặng nề mà đội ngũ cán bộ mắc phải khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, đó là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ và kiêu ngạo. Người đã chỉ rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(6). Là một nhà lãnh đạo suốt đời vì dân, nỗi lo canh cánh trong lòng Người chính là nhân dân. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cảm những điều sẽ xảy ra khi Đảng trở thành đảng cầm quyền trên cả nước; khi đó, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không được trau dồi về đạo đức, không kịp thời sửa chữa những thói hư tật xấu thì sẽ gây ra tác hại khôn lường. Những người hứng chịu tác hại khôn lường do đội ngũ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ấy chính là nhân dân. Người đã chỉ ra 3 loại khuyết điểm chính nhưng cho rằng từ 3 loại chính sẽ sinh hàng chục biểu hiện khác như: bệnh quan liêu, bệnh kiêu ngạo, óc địa phương, bệnh xa quần chúng, bệnh ích kỷ…

Để khắc phục những khuyết điểm trên, phương hướng chung cơ bản là phải “sửa đổi lối làm việc của Đảng”; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự sửa đổi, tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giữ gìn bản chất cách mạng và mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phục vụ nhân dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức giác ngộ chính trị, tinh thần kỷ luật, tác phong quần chúng gần gũi, sâu sát nhân dân. Đồng thời, Đảng và Chính phủ phải tăng cường công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất và năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

3. Có lẽ vì vậy mà trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu bàn đến việc sửa đổi, mà cụ thể là những đòi hỏi rất khắt khe về phẩm chất, đạo đức đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây chính là cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo để bắt buộc và đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải có các cách thức để gần dân, để giao tiếp với nhân dân và mục tiêu cuối cùng chính là để giải phóng nhân dân.

4. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một vấn đề rất hệ trọng, rộng lớn, nhưng cũng hết sức cụ thể rõ ràng. Đó là việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng khi Đảng thực hiện vai trò cầm quyền, lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, Đảng phải khắc phục nhiều khuyết điểm, chứng bệnh, thói tật tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà có thể khi Đảng chưa trở thành đảng cầm quyền nó chưa có điều kiện để bộc lộ rõ. Tất cả những khuyết tật này sẽ gây khó khăn cho sự nghiệp kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, gây tác hại lâu dài đối với đất nước và cách mạng. Cùng với việc chỉ ra và phân tích rõ khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên những biện pháp toàn diện, đúng đắn và có tính hệ thống, đồng bộ để khắc phục khuyết điểm. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vạch ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, trong phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, mà còn tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để chữa trị những căn bệnh này.

Xuyên suốt tác phẩm là những chỉ dẫn của Người về giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một đảng vì dân vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”(7). Người cho rằng, tính xấu của một người chỉ có hại cho người đó, nhưng nếu người đó là đảng viên, cán bộ thì tính xấu đó sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng cũng là một thực thể xã hội, cán bộ, đảng viên của Đảng có nhiều ưu điểm nhưng cũng vướng những khuyết điểm là: thiếu chí công vô tư; không giữ được kỷ luật nghiêm từ cấp trên xuống cấp dưới; không gần dân, lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân, và nhất là không làm việc đến nơi đến chốn. Nguyên nhân của những khuyết điểm đó là do nhận thức, tư tưởng chưa đúng, mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi, ưa dùng cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân; ưa ba hoa, nói dông dài, cẩu thả... Người cho rằng, tất cả những khuyết điểm đó sẽ được khắc phục bằng “phê bình và sửa chữa”. Nhưng vì “phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(8), cho nên khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải theo nguyên tắc “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”, để người bị phê bình “vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”(9).

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc dù đã trải qua 70 năm nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, nhất là vấn đề tu dưỡng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo sggp


---------------
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 240
(2) XYZ: Sửa đổi lối làm việc, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H, 2017, tr. 45
(3) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 249
(4) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 269
(5) XYZ: Sửa đổi lối làm việc, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H, 2017, tr. 139
(6) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 58
(7) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 254
(8) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 232
(9) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 232

Có thể bạn quan tâm