Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Rèn luyện theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, liên tục, lâu dài của Đảng ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định “... tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946.

Điều cốt lõi quyết định thành công của việc học tập và làm theo đó chính là sự rèn luyện thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như của mỗi cá nhân trong xã hội ta. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 - 19-5-2017), chúng tôi muốn phân tích một vài khía cạnh của vấn đề có ý nghĩa quan trọng này.

Xuân Bính Tuất 1946, mùa xuân đầu tiên của nước Việt Nam mới náo nức không khí Muôn nhà chào đón xuân dân chủ/ Cả nước vui chung phúc cộng hòa. Bác Hồ đến chúc tết mọi người tại cơ quan Bắc bộ phủ. Bác đã nói: “Thế là năm Dậu đã qua, năm Bính Tuất đã đến. Hằng ngày, mỗi chúng ta, sau khi làm việc, nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi để phát triển cái đúng, tránh cái sai. Chúng ta phải thường xuyên thực hiện như vậy sau mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm để việc làm ngày càng tốt hơn”. Bác Hồ nói tiếp “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là chẳng có ai tài giỏi hoàn toàn, có làm việc thì cũng có khi phạm sai lầm. Điều quan trọng là dám tìm cái sai và sửa chữa cái sai đó. Bác cũng chỉ ra cách tìm cái sai và sửa chữa cái sai, khi nhắc đến, mỗi chúng ta phải luôn “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước phải soi xét bản thân mình, sau hãy tìm những yếu tố bên ngoài, đến những người khác...

Mỗi chúng ta khi xem xét bất cứ một sai lầm, khuyết điểm nào cũng phải tìm các nguyên nhân ở ngay chính bản thân trước. Do đó, muốn tiến bộ, việc luôn rèn luyện bản thân phải “chính tâm, thành ý, trí tri, cách vật”. “Chính tâm” là tấm lòng phải luôn ngay thẳng, giữa muôn trùng biến thiên của thời cuộc vẫn giữ được nhân cách, bản lĩnh làm người: giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục.

Đối với mỗi người, tâm có chính thì thần mới sáng, thần có sáng thì mới có thể thấy sự huyền diệu của thiên cơ; thiên cơ là cái ắt sẽ đến, nhưng chưa phát lộ; chỉ có tấm lòng chính trực, trong sáng thì mới dự cảm đúng được những sự việc sẽ diễn ra. “Thành ý” là ý tứ phải chân thành, nhất quán, không nghĩ một đường, nói một đường, lại làm một nẻo. Sức mạnh của chính trị, của ngoại giao, từ cổ chí kim, suy cho cùng, vẫn là sự chân thành của con người. Với “tầm nhìn xuyên suốt lịch sử”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn, sáng suốt cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Sự rèn luyện ở mỗi con người là toàn diện: rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất; rèn luyện trong học tập văn hóa, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt; rèn luyện sức khỏe để có một tinh thần, trí tuệ sáng suốt trong một cơ thể cường tráng.

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện không ngừng, không nghỉ, một tấm gương trong sáng vằng vặc ngàn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra, người cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời, vì đạo đức cách mạng phải trải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Điều đó cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt một cách rất sinh động qua bài thơ Nghe tiếng giã gạo trong cuốn Nhật ký trong tù - bảo vật quốc gia và cũng là bảo vật của quá trình rèn luyện, tu dưỡng của mỗi một chúng ta: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/ Sống trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm