Sức khỏe

Bệnh sởi và các biến chứng nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội tăng lên 240 trường hợp, gấp 4 lần tổng số ca năm 2017. Trước đây, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, nhưng trong vài năm gần đây, bệnh xảy ra quanh năm. Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém.
 
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virus có trong nước bọt bắn ra không khí. Trẻ cũng có thể nhiễm virus sởi nếu như để tay tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo… có virus sởi, từ đó đưa tay lên miệng hoặc mũi làm lây nhiễm virus.
Những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Sau khi tiếp xúc với virus sởi, người bệnh có thời gian ủ bệnh 7 - 15 ngày, sau đó mới phát tán thành các biểu hiện bệnh.
Những dấu hiệu bệnh sởi tiêu biểu: Sốt đột ngột trên 38°C, mắt ướt, nhiều ghèn làm cho mắt bị kèm nhèm, viêm đường hô hấp trên (chảy nước mũi, ho) và có thể bị rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy).
Khi bệnh toàn phát, sốt rất cao có khi lên tới 39°C - 40°C, sốt li bì, mệt mỏi; sau đó ban sởi xuất hiện đầu tiên ở vùng da sau tai rồi lan ra mặt, cổ, thân mình và tứ chi trong vòng từ 1 - 2 ngày. 
Khi mắc bệnh sởi, sức đề kháng của người bệnh giảm đáng kể. Nếu như chăm sóc không đúng cách, người bệnh có thể bị biến chứng nguy hiểm bởi sự tấn công của vi khuẩn do bội nhiễm hoặc virus khác không phải virus sởi. Biến chứng hay gặp nhất là gây tiêu chảy, viêm thanh quản, viêm phế quản.
Đặc biệt là viêm phổi từ mức độ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi. Một số có thể bị biến chứng viêm não - màng não cực kỳ nguy hiểm.
Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi và viêm loét giác mạc. Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sảy thai, sinh non.
Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng sởi, cần tiêm vaccine. Có nhiều loại vaccine phòng sởi, song chủ yếu chia làm 2 loại, gồm loại đơn và loại phối hợp: Vaccine phòng sởi đơn thường được tiêm mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Với vaccine MMR (vaccine phối hợp phòng bệnh sởi, quai bị và rubella), mũi đầu tiên thường được tiêm cho trẻ 13 tháng tuổi, mũi thứ 2 được tiêm vào trước thời điểm con của bạn bắt đầu đi học, tức là khi trẻ 2 - 4 tuổi.
Những người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine sởi thì nếu có mắc sởi cũng bị nhẹ hơn và giảm đáng kể biến chứng. Người lớn và trẻ 6 - 13 tháng tuổi cũng có thể tiêm MMR nếu như họ gặp nguy cơ mắc sởi cao. Ví dụ, trong khu vực đang có dịch sởi bùng phát hoặc trong trường hợp bạn đã tiếp xúc với người bị bệnh sởi. 
Tại gia đình có người bị bệnh sởi, không cho người bệnh tiếp xúc với người lành. Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh sởi và người nghi bị sởi.
Ở các nhà trẻ, trường học (đặc biệt nơi đã có trẻ bị sởi), hàng ngày cần đảm bảo tắm rửa (bằng nước ấm) sạch sẽ cho trẻ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
Cần vệ sinh sàn nhà, đồ chơi bằng xà phòng hoặc thuốc sát khuẩn. Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Thu Hương (eDoctor - Dịch vụ khám bệnh qua mạng)
Theo sggp

Có thể bạn quan tâm