Sức khỏe

Bệnh ung thư tụy khó phát hiện, gây tử vong nhanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Ảnh minh họa.
Theo tiến sĩ BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Ở giai đoạn sớm, ung thư tụy không có triệu chứng đặc hiệu, các biểu hiện lâm sàng mơ hồ.
Ung thư tụy thường được phát hiện ở giai đoạn muộn do không có triệu chứng rõ ràng, chỉ khoảng 4% bệnh nhân sống thêm 5 năm.
Tại Việt Nam gần 1.000 người mắc mới ung thư tụy
Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 Việt Nam có gần 1.000 người mắc mới ung thư tụy và gần 900 người chết vì bệnh này.
Ung thư tụy khó phát hiện do tuyến tụy nằm sau dạ dày. Các triệu chứng lâm sàng hoặc kiểm tra cận lâm sàng như siêu âm, CT… rất khó phát hiện, chỉ khi u lớn mới phát hiện được.
Theo tiến sĩ BS Đỗ Tuấn Anh, ung thư tụy xếp thứ 6 trong các loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp và thứ 5 về tỷ lệ tử vong. Nguyên nhân gây ung thư tụy chưa được làm rõ. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc lá, béo phì, di truyền, đái tháo đường, chế độ ăn, lối sống ít vận động.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, ở giai đoạn sớm, ung thư tụy không có triệu chứng đặc hiệu, các biểu hiện lâm sàng mơ hồ. Khi muộn, bệnh nhân bị đau thường ở vùng thượng vị, hay hạ sườn phải, chiếm 80-90% trong số các dạng ung thư tụy, nhất là ung thư ở thân và đuôi tụy.
Bệnh nhân còn đau ở bụng dưới trong thời gian dài trước khi biểu hiện các triệu chứng khác.
Bệnh nhân ung thư tụy cũng bị vàng da, là hậu quả khi khối u xâm lấn đường mật, kèm theo ngứa. Tình trạng vàng da xảy ra ở 80-90% bệnh nhân u đầu tụy, 6% bệnh nhân u ở thân và đuôi tụy. Vàng da tắc mật tiến triển từ từ, ngày càng tăng dần, vàng càng đậm.
Bệnh nhân cũng bị sốt. Nhiệt độ tăng kèm rét run như triệu chứng của áp xe đường mật gặp ở 10% bệnh nhân ung thư đầu tuỵ. Các triệu chứng khác gồm sút cân, đầy hơi, nôn, trướng bụng, thiếu máu, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi.
Hướng điều trị cho người bệnh
Tùy vị trí và giai đoạn bệnh có các phương pháp điều trị tương ứng. Đối với u vùng đầu tụy, phẫu thuật cắt khối tá tụy là phương pháp duy nhất có tính triệt căn, giúp kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Một số phương pháp phẫu thuật khác như cắt khối tá tụy, nối tắt, mổ thăm dò, sinh thiết, điều trị hóa chất, hóa trị bổ trợ.
Trường hợp chống chỉ định cắt khối tá tụy, các phương pháp phẫu thuật tạm thời bao gồm nối tắt, mở thông hỗng tràng, dẫn lưu mật… chỉ nhằm mục đích điều trị triệu chứng và hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Điều trị phẫu thuật can thiệp cần kết hợp với chăm sóc giảm nhẹ, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong ung thư tụy, chăm sóc giảm nhẹ bao gồm điều trị đau, điều trị tâm lý, xử trí tình trạng nặng khác.
Nằm giữa dạ dày, gan và ruột, tuyến tụy chỉ dài 10-15 cm, có hình dạng quả lê, tiết ra kích thích tố, sản xuất insulin, dịch tiêu hóa.
Tuyến tụy được xác định là một trong những bộ phận cực kỳ quan trọng của cơ thể. Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào tuyến tụy đột biến và nhân rộng với tốc độ rất nhanh.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Trong gia đình có người bị ung thư tụy, bạn nên tầm soát nguy cơ.

Châu Anh (GD&TĐ) 

Có thể bạn quan tâm