Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Bệnh viêm não vi rút đang gây chết người ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, tỉnh Gia Lai có 17 bệnh nhân viêm não vi rút, trong đó hầu hết là trẻ em dân tộc thiểu số dưới 10 tuổi, đã có 2 người tử vong. Bệnh có thể bùng phát mạnh vào thời điểm chuyển mùa có khí hậu nóng, ẩm.

Nhiều ca bệnh nặng

Sau 3 ngày thấy cháu Rơ Lan Ploai, 9 tuổi bị sốt cao, biếng ăn, người lả đi như tàu lá héo, sáng 15-6-2014, vợ chồng chị Rơ Lan Tiệp ở làng Ver, xã Ia Ko (huyện Chư Sê) mới quáng quàng chở cháu lên Trung tâm Y tế huyện. Qua 1 ngày theo dõi, tình trạng bệnh của cháu càng trầm trọng hơn liền được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, các bác sĩ phát hiện cháu Ploai bị các triệu chứng của bệnh viêm não siêu vi: người sốt cao, co giật, lơ mơ, tiểu không tự chủ. Các biện pháp y tế như: hạ sốt, chống sốc co giật... lập tức được thực hiện.

 

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang cố gắng cứu chữa cháu Kpă Nách, 4 tuổi bị viêm não vi rút. Ảnh: Đức Phương
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang cố gắng cứu chữa cháu Kpă Nách, 4 tuổi bị viêm não vi rút. Ảnh: Đức Phương

Ngồi bơ phờ bên giường bệnh của con gái mình tại Khoa các Bệnh Nhiệt đới, chị Rơ Lan Tiệp rơm rớm nước mắt nói: “Mới tuần trước, con bé Rơ Lan Ploai còn chơi đùa với lũ bạn trong làng. Buổi tối, nghe nó kêu đau đầu, chóng mặt, mình cứ nghĩ là không sao, chỉ lấy nước mát cho uống rồi thôi. Ai ngờ bệnh diễn biến nhanh quá chỉ 1 ngày sau là nó co giật, lơ mơ, đái dầm suốt. Giờ thì nó cứ nửa tỉnh nửa mê như con gà dịch vậy. Mình lo lắm!.”

Nằm chung phòng bệnh của Khoa các Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sáng 17-6 còn có 1 bệnh nhân khác trong tỉnh trạng tương tự. Anh Rmăh Glor ở làng Klăh, xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) chỉ còn biết chắp tay khấn Yàng cầu mong cho thằng Kpă Nách, 4 tuổi con trai mình mau chóng hồi tỉnh. Vào viện mới được 1 ngày, tính cả thời gian ở nhà nữa là 5 ngày, nhưng “Thằng Nách thì ngay cả cha đẻ mà nó cũng không còn khả năng để nhận ra được nữa. Cứ đến bữa mình bón cho thìa sữa thì nó nuốt đánh ực, còn không thì thôi. Nó nằm trân mắt ra nhìn, thi thoảng cả người gồng cứng, chân tay co quắp lại” -anh Glor buồn rầu nói.

Tình cảnh người bệnh viêm não siêu vi nằm chung phòng với các bệnh nhân khác vẫn đang diễn ra. Bệnh viện chưa thành lập khu vực cách ly, cho dù thông tin về những ca viêm não sau khi được chuyển từ khoa này lên Khoa Hồi sức trung tâm rồi tử vong truyền về vẫn đang gây hoang mang từng ngày cho bệnh nhân và người nhà của họ.

Bác sĩ Sô Song Hương Ly-Phó Trưởng khoa các Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Cả 2 bệnh nhân còn lại đang điều trị viêm não vi rút tại khoa đều trong tình trạng di chứng đến não, mất tự chủ bản thân. Bệnh viêm não vi rút chưa có thuốc đặc trị. Hiện tại bệnh viện chỉ thực hiện điều trị theo triệu chứng, điều trị hỗ trợ là chủ yếu. Các bệnh nhân viêm não vi rút nếu được ra viện có thể sẽ phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh hoặc liệt nửa người hoặc liệt tay chân”.

Tiêm phòng là tốt nhất

Thống kê của Khoa các Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tính đến ngày 16-6, đã có 17 người bị viêm não vi rút nhập viện (chủ yếu là trẻ em dân tộc thiểu số dưới 10 tuổi). Còn theo số liệu của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 2 bệnh nhân tử vong vì viêm não vi rút ( 2 trường hợp này đều trú ở huyện Đức Cơ). Tình trạng bệnh viêm não vi rút diễn ra rải rác ở nhiều huyện, trong đó, đáng chú ý, các huyện có số bệnh nhân nhiều gồm: Chư Prông (4 ca), Ia Pa (3 ca), Đức Cơ (3 ca), Kông Chro (2 ca) và Chư Pưh (2 ca). Đây không phải lần đầu tiên bệnh viêm não vi rút xảy ra ở Gia Lai; năm ngoái, toàn tỉnh có 40 trường hợp mắc viêm não vi rút chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Theo tài liệu của Bộ Y tế, bệnh viêm não vi rút (gọi chung là viêm não cấp) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương. Có nhiều nguyên nhân gây viêm não, chủ yếu là do vi rút gây ra. Tùy loại vi rút, bệnh có thể lây qua trung gian do muỗi đốt (đối với viêm não Nhật Bản), đường hô hấp, hoặc đường tiêu hóa... Bệnh thường xảy ra ở trẻ em. Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề khiến bệnh nhân mất trí nhớ, bại liệt toàn thân hoặc liệt nửa người...

Cách phòng bệnh, theo bác sĩ Sô Song Hương Ly-Phó Trưởng khoa các Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để nâng cao sức khỏe bản thân, phòng ngừa bệnh tật, thì tốt nhất các gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ theo Chương trình mục tiêu quốc gia tiêm chủng mở rộng. Vì hầu hết các bệnh đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng ngừa nếu trẻ không tiêm đầy đủ, một khi bị mắc phải thì bệnh sẽ có khả năng biến chứng thành viêm não.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm