Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ hạn chế tối đa các biến chứng và giúp người bệnh nhanh phục hồi.
Giờ vàng điều trị
Tiến sĩ Nguyễn Thành Công-Trưởng khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Đột quỵ thường xảy ra đột ngột. 4 dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết đột quỵ là: Người bệnh đột ngột bị yếu tay chân, liệt hẳn, méo miệng, nói khó. Nếu phát hiện những dấu hiệu này thì nhanh chóng đưa người bệnh tới bệnh viện để điều trị kịp thời, đặc biệt là những người có bệnh nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipit máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, ít vận động.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Công thăm khám cho người bệnh. Ảnh: N.N |
Theo Tiến sĩ Công, nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm trong giờ vàng từ khi khởi phát triệu chứng trước 4,5 giờ có thể điều trị khai thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết. Những bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm kết quả hồi phục càng tốt.
Trước đây, khi chưa có phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu đột quỵ não, người bệnh sẽ phải chịu những di chứng nặng nề như: liệt nửa người, méo miệng, nói ngọng, thậm chí tính mạng cũng sẽ bị đe dọa.
Nhờ kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết kịp thời làm tan cục máu đông (nguyên nhân gây nên tắc mạch máu não) giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch và hồi phục nhanh chóng.
“Từ cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng phương pháp điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết. Đây là một trong những phương pháp điều trị đặc biệt hiệu quả đối với người bị bệnh lý nguy hiểm này.
Rất tiếc trong thời gian vừa qua, nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ có khoảng 6% bệnh nhân nhồi máu não đến cấp cứu trong khung giờ vàng. Đây là tỷ lệ rất thấp, đồng nghĩa với cơ hội để hồi phục điều trị tốt cho bệnh nhân càng thấp”-Tiến sĩ Công nhấn mạnh.
Cảnh giác với đột quỵ
Đột quỵ không còn là căn bệnh của người lớn tuổi mà ngày càng trẻ hóa. Có nhiều bệnh nhân đột quỵ khi mới ngoài 40 tuổi, thậm chí 30 tuổi. Ở Khoa Lão hiện có 3 ca nhồi máu não được điều trị đúng thời điểm, đúng chỉ định nên đạt kết quả tốt.
Bà Siu Boen (SN 1978, trú tại làng Ó Kly, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) đột ngột bị liệt nửa người. Ngay khi phát hiện triệu chứng trên, người nhà đã kịp thời đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 3/tăng huyết áp. Nhờ được chuyển đến bệnh viện trong giờ vàng bị đột quỵ và được điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết nên bệnh nhân phục hồi tốt.
Chị Siu Dúi (con gái bà Siu Boen) cho biết: “Mẹ tôi có tiền sử bị tăng huyết áp. Hôm đó, bà đột ngột bị yếu, liệt nên gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi được cấp cứu, điều trị, bệnh tình mẹ tôi đã có chuyển biến tốt, có thể nhấc vai, tay và cử động được chân”.
Từ cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng phương pháp điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết. Đây là một trong những phương pháp điều trị đặc biệt hiệu quả đối với người bị bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: N.N |
Trường hợp bà Hoàng Thị Yến Huệ (69 tuổi, trú tại thôn Tân Lạc, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) sau khi ngủ dậy thì thấy chân tay không cử động được. Ngay sau đó, bà được gia đình đưa vào bệnh viện. “Qua điều trị, mẹ tôi đã có những tiến triển rất tốt. Sức khỏe đã có nhiều cải thiện so với ngày đầu vào viện”-anh Văn Hồng Sơn (con trai bà Huệ) chia sẻ.
Các biện pháp can thiệp, điều trị tốt nhất cần được áp dụng phù hợp trong khung giờ vàng kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên. Trong đó, thời điểm “vàng” để sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu đột quỵ não là 3 giờ, thậm chí có thể là 4,5 giờ đối với một số trường hợp tính từ thời điểm các triệu chứng khởi phát với các dấu hiệu như méo miệng, lưỡi tê cứng, yếu nửa người, không nói được, khó nói, mắt mờ, đau đầu...
Tiến sĩ Công khuyến cáo: Khi phát hiện các triệu chứng đột quỵ ở người bệnh thì gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện; tuyệt đối không châm cứu, chích lể, không cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào vì có thể khiến nghẽn đường hô hấp rất nguy hiểm tính mạng.
Bên cạnh đó, người dân cần tầm soát huyết áp, đái tháo đường thường xuyên. Nếu phát hiện bệnh thì điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nếu có các bệnh lý khác như tim mạch, rối loạn nhịp, rối loạn lipit máu… thì cần điều trị theo đúng chỉ định. Mọi người cần có lối sống, sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá, lạm dụng rượu, thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao để phòng tránh nguy cơ đột quỵ.