Nhiễm trùng, bỏng da vì tin quảng cáo
Một tài khoản trên mạng xã hội TitTok quảng cáo về sản phẩm được nhập từ Hàn Quốc có khả năng “đánh bay mọi mảng nám lâu năm trên da mặt". Theo đó, tài khoản này đưa ra hình ảnh một phụ nữ được bôi một lớp dung dịch lên mặt, sau khi dung dịch khô, da có màu sậm đen như cháy nắng và được một người khác dùng nhíp lột lớp da ngoài để lộ phần da non mỏng, căng, trắng hồng. Tuy nhiên, theo bác sĩ, các sản phẩm trong quảng cáo trên thực chất là peel da sâu bằng hóa chất sẽ gây ăn mòn da, bỏng, nhiễm trùng, sẹo, giảm sắc tố da.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều sản phẩm được đặt tên rất hoành tráng như "mặt nạ tái sinh da nám", "phân hủy nám", "kem tái sinh làn da"… nhưng thực chất có chứa các chất cấm hoặc các chất có nồng độ vượt mức cho phép sử dụng trong mỹ phẩm như thuỷ ngân, corticoid, hydroquinone, axit nồng độ cao... Các thành phần này có tính tẩy da mạnh, khiến sạm nám bay nhanh, da trắng đều màu trong thời gian ngắn nhưng gây nhiều phản ứng phụ nguy hiểm như teo da, mỏng da, giãn mạch, da nhạy cảm với ánh sáng hơn (dễ bắt nắng).
Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân H.N.K. (45 tuổi, ngụ Hậu Giang) bị bỏng da do peel da sâu quá liều và để hóa chất trên da quá lâu (thông thường 1 - 5 phút) và tần suất thực hiện peel da quá nhanh. Qua lời kể của bệnh nhân K., chị thoa một loại mặt nạ được quảng cáo trên mạng có tác dụng “xoá thâm nám, tái tạo, trẻ hoá da”. Theo hướng dẫn, lần đầu thoa chị lưu kem trên da một đêm. Thấy da bong tróc vài ngày rồi nám mờ hơn, da mềm mịn, sáng màu bật tông đúng như quảng cáo, chị K. tiếp tục bôi với lượng nhiều hơn ở các lần sau, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
Tuy nhiên, sau 3 lần bôi, da mặt chị K. nổi mẩn đỏ li ti, sau đó nóng rát và đỏ hết mặt. Chị dùng đắp mặt nạ, chườm đá làm mát nhưng mặt tiếp tục sưng phù nên đã lên bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh để khám và điều trị.
Còn trường hợp của chị K.L. (22 tuổi, ngụ An Giang) có da mụn, nám và không đều màu. Sau khi tìm hiểu trên mạng, chị đến một cơ sở thẩm mỹ ở TP Hồ Chí Minh và được tư vấn làm liệu trình peel da xóa nám, da mịn màng, đều màu trong 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Hai lần đầu peel da, da mặt chị L. xuất hiện đốm đỏ, đau rát nhưng được người của thẩm mỹ viện giải thích “da càng bong tróc càng đẹp”. Sau vài ngày, tổn thương, bỏng rát lan khắp mặt, da mưng mủ, bong tróc nên chị L. đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Ngọc Bích cho biết, chị L. được chẩn đoán bị viêm da kích ứng, nhiễm trùng, biến chứng tăng sắc tố sau viêm, nguy cơ bị thâm và sẹo lõm vì lột da quá sâu bằng các hóa chất lột tẩy mạnh và peel khoảng cách quá gần không đủ thời gian cho da phục hồi và tái tạo. Bệnh nhân L. được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm để kiểm soát nhiễm trùng. Khi tình trạng nhiễm trùng ổn định, người bệnh cần can thiệp thêm để giải quyết tình trạng tăng sắc tố sau viêm, sẹo lõm.
Theo Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau peel da do bệnh nhân tự mua các sản phẩm peel không rõ hoạt chất như thuốc rượu, kem sâm. Khi bôi trên da mặt, bệnh nhân gặp tình trạng da đỏ, sưng nề, xuất hiện nhiều mụn nước, bóng nước, bỏng da… Bệnh nhân phải điều trị tích cực bằng những thuốc kháng sinh, kháng viêm và những phương pháp thẩm mỹ phục hồi, làn da mới có thể trở về gần như bình thường.
Cụ thể như hợp của chị D.B.T.L. (28 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) phải nhập viện điều trị vì viêm da tiếp xúc dị ứng kèm theo tình trạng bội nhiễm thêm vi khuẩn sau khi mua combo tái tạo da trên mạng xã hội. Chị T. L kể, do mặt có tàn nhang, đốm nâu nên sau khi xem quảng cáo trên tiktok chị đã đặt mua combo tái tạo da với giá khuyến mãi 373.000 đồng gồm tinh chất tái tạo da và bột rửa mặt được quảng cáo có tác dụng xóa sạch các vết nám, tàn nhang, da không đều màu. Tái sinh làn da mới, khỏe, tăng sinh collagen và trẻ hóa làn da… Tuy nhiên, sau 3 ngày sử dụng liên tiếp, da mặt chị T. L. sưng lên, nóng, đỏ, rát, ngứa, đau, đóng mài, chảy dịch, hai mắt sưng húp không nhìn thấy được.
Thận trọng với các sản phẩm peel không rõ nguồn gốc
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, peel hay còn gọi là lột da bằng hóa chất nhằm mục đích bao gồm: Tẩy tế bào chết, điều trị các bệnh lý về da hoặc vấn đề thẩm mỹ của da như mụn trứng cá, thâm mụn, sẹo mụn, lỗ chân lông to, sạm da, tẩy tế bào chết… Thủ thuật peel phụ thuộc vào tình trạng da, tính chất của da để lựa chọn hoạt chất và nồng độ phù hợp.
Nếu người dân chủ quan tự peel ở nhà cũng như sử dụng không đúng hoạt chất và nồng độ có thể dẫn đến tổn thương trên da, gây bong tróc, mụn nước, bóng nước; nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nếu không đến bệnh viện kịp thời, người bệnh có thể bị để lại sẹo và khó phục hồi lại làn da ban đầu.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cũng cho biết, bản thân phương pháp này đã có nguy cơ cao gây biến chứng. Khi thực hiện tại nhà hoặc các thẩm mỹ viện không uy tín, mối nguy cơ này sẽ tăng gấp nhiều lần. Chẳng hạn, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, thành phần hoạt chất, nồng độ, lưu hóa chất quá lâu trên da, không trung hòa axit kịp thời… khiến axit mài mòn da quá mức gây tổn thương sâu, bỏng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, để lại sẹo xấu, tăng sắc tố, nặng hơn là hủy mô dưới da, thậm chí có thể gây sốc do đau, do bỏng hóa chất, gây rối loạn huyết động học. Tỷ lệ rối loạn nhịp tim khi peel da bằng axit khoảng 6,6%.
Trong thời gian qua, tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hàng chục trường hợp tới điều trị do bị tai biến bằng các phương pháp peel da, lột da làm đẹp tại nhà hoặc cơ sở thẩm mỹ. Điểm chung của người bệnh sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần.
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích khuyến cáo, dịp cuối năm, nhu cầu làm đẹp tăng cao, phụ nữ nên cẩn trọng khi chọn các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc da trên thị trường. Bất kỳ quy trình peel da nào cũng cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám để xác định tình trạng, chọn hóa chất hoặc dùng phương pháp khác phù hợp. Không nên tự peel da tại nhà, nhất là người có da nhạy cảm. Sau khi peel, nếu da bị mẩn đỏ, sưng… người bệnh cần đi khám để điều trị kịp thời, tránh tổn thương nặng hơn, khó phục hồi.
Theo Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức