(GLO)- Sau khi bị tai nạn giao thông vào hôm 11-3-2017, chị Rơ Mah H’Ngla (làng Breng, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) được người đi đường đưa tới Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku cấp cứu. Ngoài vết thương vùng mặt thì chị H’Ngla còn có vết thương khá nặng ở bàn tay phải với ngón út bị đứt rời. Người đưa chị này vào viện lại phải chạy ngược ra lại hiện trường tìm lại ngón tay út để các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật khâu nối chi.
Sau hơn một tháng phẫu thuật khâu nối chi, ngón út của chị H’Ngla đã có cảm giác trở lại, cử động được, phản ứng tốt và vết khâu khá thẩm mỹ. Chị H’Ngla chia sẻ: “Nhìn bàn tay phải của mình khi ấy tôi rất khiếp hãi và nghĩ rằng thế là hết. Mình có thể sẽ bị tàn tật. Chưa lập gia đình mà bị tật như vậy sau này liệu có ai thương… Hơn nữa, việc lao động kiếm sống về sau cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhờ các bác sĩ tận tình cứu giúp mà mình giữ lại được ngón tay. Đến nay, ngón tay đã có cảm giác, cử động được”.
Sau phẫu thuật 1 tháng, ngón tay chị H’Ngla đã có cảm giác, cử động tốt. Ảnh: N.N |
Bác sĩ Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại tổng hợp-người trực tiếp phẫu thuật cho chị H’Ngla cho biết: Sau khi thăm khám, tiên lượng có thể nối chi được nhưng cái khó là phần cơ thể đứt lìa bị bầm dập và lại còn có thêm một vết thương khác, đứt gân, da ngón tay dập… sợ khi nối ghép mạch máu bị thương tổn gây tắc mạch có thể gây hoại tử. Tuy nhiên với nỗ lực hết mình trong việc cứu chữa cho bệnh nhân, chúng tôi đã thực hiện thành công ca nối chi này và kết quả sau một tháng rất khả quan”.
Theo bác sĩ Thành, năm 2010, Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku bắt đầu thực hiện khâu nối chi thể bị đứt lìa (đứt lìa hoàn toàn hoặc đứt gần lìa). Những trường hợp tai nạn chi thể bị đứt lìa hoặc gần lìa nếu không thể tái lập lại tuần hoàn thì chi thể bị đứt sẽ hoại tử. Hầu hết các trường hợp mà Bệnh viện thực hiện đều là đứt lìa ở bàn tay và ngón tay. Đến nay, Bệnh viện đã phẫu thuật hơn 10 ca. Kết quả khâu nối thành công (chi thể sống) là 70%, phần lớn là phục hồi được phần đáng kể chức năng của bàn tay.
Bác sĩ Tăng Văn Thành: “Các bộ phận cơ thể bị đứt lìa cần được giữ gìn và bảo quản cẩn thận, loại bỏ các vết bẩn, dị vật, đảm bảo chắc chắn không để quên hay bỏ sót phần chi thể bị đứt lìa… Không được đặt trực tiếp phần chi thể trong nước đá mà sử dụng túi nhựa bao bọc bên ngoài. Không được đặt trực tiếp chi thể lên đá lạnh, đá khô vì điều này sẽ gây ra sự tê cóng, bỏng lạnh làm hoại tử mô, cũng là một điều đáng tiếc sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục mô sau khi nối lại cho người gặp tai nạn… Chi thể bị cắt rời nếu được bảo quản và làm mát đúng cách có thể được sử dụng cho phẫu thuật trong vòng khoảng 18 giờ nhưng đạt hiệu quả cao hơn trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ”. |
Nhắc đến một số ca nối chi thành công thực hiện tại Bệnh viện, bác sĩ Tăng Văn Thành nhớ nhất trường hợp của một bé gái chưa đầy 3 tuổi bị dập nát bàn tay. Tai nạn xảy ra do cháu bé va vào dây cua-roa của máy xay bột đang chạy khiến bàn tay phải bị dập nát mô cái, đứt lìa ngón cái bàn tay phải. “Mô cái bị dập nát nặng, xương bàn 1 nát mất xương 2/3 đầu xa, da cơ bị dập nát nhiều, hai đốt ngón cái nguyên vẹn nhưng đứt lìa khỏi bàn tay (chỉ còn dính bởi gân gấp bị dập nặng, gân duỗi dài bị đứt tận chỗ nối cơ gân-đứt do kéo giật), mạch máu, thần kinh cũng bị dập nát đến khó tìm thấy chứ đừng nói gì khâu nối. Chính vì hai đốt ngón tay còn nguyên vẹn nên chúng tôi phải cố hết sức để cứu bàn tay cho cháu”-bác sĩ Thành cho biết. Đến nay, cô bé năm nào đã 10 tuổi, bàn tay được các bác sĩ nối chi đảm bảo viết bài bình thường không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình mà còn giúp cháu tự tin học tập, hòa nhập cuộc sống.
Một trường hợp khác, vào tháng 11-2015, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku cũng đã nối thành công cánh tay bị dập nát từ khuỷu tay đến cổ tay cho bệnh nhân Từ Thanh Minh (trú phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Trước đó, sáng 4-11, bệnh nhân Minh nhập viện trong tình trạng một cánh tay phải bị dập nát từ khuỷu đến cổ tay, gãy xương cẳng tay, đứt gân, đứt mạch máu, máu mất nhiều. Xác định đây là 1 ca khó và phức tạp, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và đưa bệnh nhân Minh vào phẫu thuật, cứu lại cánh tay.
Như Nguyện