Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bếp mẹ chiều đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Miền Trung đang mưa nhiều. Hằng năm, sau ngày hăm ba tháng mười âm lịch là hết lụt, trời tạnh ráo, bà con chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân. Năm nay, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết mà còn mưa miết. Mưa rả rích, dầm dề. Mưa liên tiếp gây ngập lụt nhiều nơi.  
 

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Tôi nhìn mưa và nhẩm tính đã bao lâu rồi mình chưa về? Đường về quê nhà dài hun hút theo những cơn mưa. Năm lần bảy lượt, hẹn tới hẹn lui, hết dịch rồi mưa, hết mưa rồi dịch... Cứ thế, đứa con xa vẫn chưa về thăm cha mẹ.

Chiều nay, tôi tranh thủ chạy về để ông bà bớt nỗi trông mong. Mỗi lần về là bao nhiêu tâm trạng, bấy nhiêu nỗi niềm, mừng vui chen lẫn ngậm ngùi. Cảnh vật vẫn như xưa, chỉ có con người là già nua theo năm tháng. Một hình ảnh ấm áp, thân thương với tôi đó là bếp của mẹ trong chiều mùa đông!

Bếp của mẹ nấu bằng củi nên tro bụi bám nhiều, khói ám đen tường, bồ hóng đu đầy trên mái. Không gian của bếp không đủ rộng để chứa tất cả đồ đạc lỉnh kỉnh. Dù ngổn ngang lu, thạp, nồi, niêu, chày, cối, thúng, mủng, nhưng thứ gì mẹ cũng muốn giữ lại, chẳng chịu bỏ cái nào. Dường như mọi thứ đều là một phần kí ức của mẹ, mẹ không nỡ bỏ đi. Do đó, bếp đã chật, lại càng chật hơn. Riêng chỗ kê kiềng để nấu, mẹ luôn nhắc nhở phải gọn gàng sạch sẽ, kẻo ông Táo quở trách, rồi không cho bếp mình đỏ lửa, thơm cơm! Phía bên hông bếp, cha chái thêm ra một khoảng nữa bằng tre, rồi lợp mấy tấm tôn cũ để làm nơi chứa củi. Nhờ vậy, có chỗ đủ rộng để bớt lo củi ướt vào mùa mưa. Lúc nhỏ, tôi thường đi hái củi tre, cột thành bó, xếp chồng lên nhau gọn gàng nơi phía chái, để dành cho mùa mưa gió.

Bếp trở thành không gian sinh hoạt thân thương của cả gia đình nhưng mẹ là người gắn bó với bếp nhiều nhất. Mỗi năm bốn mùa, mỗi ngày năm bảy lượt, từ nấu cơm, nấu nước, nấu cháo cho heo cho gà và biết bao việc lặt vặt khác đều diễn ra nơi góc bếp nhỏ, hằn in bóng hình của mẹ!

Thương bếp mùa đông, gió lùa mưa tạt. Dù cố che chắn bằng mấy tấm tôn, phủ bên hông vài tấm bạt nhưng chẳng ăn thua gì với từng cơn gió giật. Khi ấy, cha thường đội nón tơi, chặt mấy cây tre gãy, chẻ nẹp thêm tấm phên liếp để gió khỏi cuốn bay. Phía trong, mẹ bắt đầu nhóm lửa, khói bay mịt mù, quyện với mùi củi ướt cứ ngai ngái, hăng hăng, nồng nồng quen thuộc. Nhà ở nông thôn, củi gỗ ít, nhưng tre lại nhiều. Củi tre dễ cháy mà chẳng đượm lâu, chẳng có than hồng. Nấu củi tre, phải ngồi tại chỗ, liên tục canh chừng, chẳng thể bỏ đi lâu được.

Có những mùa đông rất lạnh, mẹ dậy nhóm bếp nấu cơm, cha pha bình trà rồi nói chuyện cày bừa, gieo sạ mấy đám ruộng soi. Tôi cố dậy để kịp tới trường. Thường hai buổi sớm, trưa đều vội vàng, tất bật công việc nên tôi yêu gian bếp buổi chiều nhiều hơn. Buổi chiều thong thả, nghỉ ngơi, chẳng nôn nóng. Đặc biệt là yêu bếp lửa trong chiều mùa đông giá lạnh, nhất là dịp Tết!

Mùa đông, mẹ nhóm lên bếp lửa, lửa reo vui tí tách, lửa cháy sáng bập bùng, lửa xua đi cái lạnh, lửa tỏa lan hơi ấm giữa những ngày tê buốt. Có hôm, mẹ mở nắp chiếc lu đầy bụi và cũ kĩ, gắp ra những hòn than nhỏ để dành bấy nay, bỏ vào bếp. Đặt trên chỗ than hừng đỏ là mấy trái bắp, củ khoai lang, khoai từ. Anh em tôi xúm xít mừng vui, hít hà mùi thơm cây trái quê nhà. Cha đi làm đồng về, thường xách theo giỏ cua, được vài con cá rô, cá nhét. Mùi cá rô nướng, mùi cá nhét kho lá gừng, mùi cua ram muối, mùi mắm kho tiêu…vẫn còn thơm lừng theo năm tháng!

Từ mái bếp đơn sơ của mẹ, anh em tôi dần khôn lớn. Những năm đi học xa, dịp gần tết trở về, căn bếp nhỏ còn thơm mùi rim các loại như: gừng, dừa, bí… Hỏi mẹ làm chi nhiều, mẹ nói để dành sau tết, con mang một ít lên nhà trọ, vui với anh em bạn bè, coi như quà quê!

Chiều cuối năm, bếp được dọn dẹp gọn gàng, nồi bánh chưng sôi ùng ục, mâm cỗ đơn sơ nhưng thành kính, cũng là lúc cả nhà chính thức nghỉ ngơi, chờ đón tết. Những bộn bề lo toan, những nhọc nhằn vất vả tạm nhường chỗ cho ước vọng may mắn, đủ đầy năm sau. Bây giờ, dù đã có bếp ga nhưng mẹ vẫn thích nấu củi. Mẹ nói quen rồi!

Chiều mùa đông, tôi nghe tin lũ lụt nơi quê nhà mà nơm nớp lo âu. Cha mẹ mừng vui khi thấy đứa con xa mới về. Chạy ra bếp nhỏ, bùn đất còn nhiều, lá cây chưa dọn hết, dấu nước ngập còn in. Chưa có điện, bếp ga vừa mới lau chùi, củi cũng ướt hết rồi. Nấu ấm nước để pha cho cha bình trà, khói bếp bay lên, cay cay khóe mắt. Nhìn bếp của mẹ sau trận lụt lớn, sao xót xa quá đỗi. Biết bao giờ người miền Trung vơi bớt nỗi khó khăn sau mỗi mùa bão lũ?

Nhưng dù khó khăn, thăng trầm, dâu bể, người miền Trung vẫn mạnh mẽ vươn lên, không bao giờ lùi bước. Từ mái bếp đơn sơ nơi quê nhà, giữa mùa đông dông gió, khói vẫn bay lên, lửa vẫn tỏa lan hơi ấm. Tôi phụ giúp dọn góc bếp, mảnh vườn còn nhiều bùn đất. Cha bảo chỗ này trồng lại khóm hoa vạn thọ, chắc kịp tết có đơm. Mẹ đem phơi mấy cành củi ướt và nhắc nhở tôi: vợ chồng ráng gùi gánh để lo cho bọn trẻ. Mắt tôi cay xè, không nói được gì. Khói bếp bay lên chuyên chở những giấc mơ bình dị, ấm áp từ chốn quê nhà!

Theo PHAN HUY THÙY (QNO)

Có thể bạn quan tâm