Du lịch

Hành trang lữ hành

Bí ẩn tháp Hòn Chuông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà bố vợ tôi ở sát chân núi Bà. Vì nơi hòn núi cao này có khối đá khổng lồ nhô lên như một cái chuông úp, nhìn từ xa như núm cái chiêng khổng lồ nên người dân địa phương gọi là Hòn Chuông.

Ngọn núi nằm ở phía Tây, thuộc địa phận xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đứng ở nơi đây có thể bao quát được tứ bề, thấy rất rõ đầm Đạm Thủy và cửa Đề Gi ở phía Đông Bắc, quan sát được đầm Thị Nại ở phía Nam và thành cổ Đồ Bàn (Vijaya) ở phía Tây.

Tháp Hòn Chuông có độ cao 800 m so với mặt nước biển. Ảnh: Mỹ Bình

Cha tôi kể rằng, vùng núi Bà xưa còn rất hoang vu, cây cối rậm rạp, chim thú nhiều vô kể, trong đó có những loài quý hiếm như: hổ, tê giác. Dân gian còn truyền tụng về kho báu “vàng Hời” ở núi Bà hay ở Mũi Đá Vang (nơi chân núi Bà choài ra phía biển ở Cát Thành) có hang đá sâu, thắp đuốc đi cả buổi đường không hết, nơi mà người Chăm thường về tìm lại của cải còn cất giấu từ thời ông bà xa xưa…

Ngày nay, cư dân vùng Phù Cát vẫn xem núi Bà là “linh sơn”, nơi chở che, bao bọc cho họ được bình an trong suốt chiều dài lịch sử và hiện đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Để lên Hòn Chuông, người ta thường đi ở phía Tây thuộc thôn Chánh Danh (xã Cát Tài) vì chỗ này có đường mòn và độ dốc thấp nên bộ hành dễ hơn là đi từ phía Đông ở Chánh Thắng. Sinh thời, cha tôi chưa một lần lên đến Hòn Chuông. Nhưng ông được nhiều người dân địa phương vốn là tiều phu, người đốt than hay những người đi tìm trầm, lấy mật ong… kể rằng: Họ đã từng leo lên đỉnh Hòn Chuông và phát hiện nơi đây có một tháp Chăm. Tuy tháp chỉ còn lại phế tích với những bức tường gạch bị đổ vung vãi khắp nơi nhưng hình thù của nó thì vẫn còn khá rõ. Cha tôi rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao người Chăm có thể cõng gạch lên non, đưa đến ngọn núi đá cao hàng trăm mét để xây tháp.

Mặc dù tháp không đồ sộ và được xây dựng kỳ công như các tháp Chăm còn hiện diện ở Bình Định nhưng đây là công trình khá độc lạ. Nó không phải là nơi để thờ phụng các vị thần và cũng không có dụng ý để làm nơi hành hương của các tín đồ. Vậy người Chăm xây dựng công trình tháp trên đỉnh Hòn Chuông với mục đích gì?

Bấy giờ, cha tôi đã đưa ra một vài nhận định về tháp Chăm này và được nhiều người đồng tình. Ông suy luận rằng, khi vương triều Champa dời về kinh đô Đồ Bàn (thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay) thì công tác bố phòng về mặt quân sự được quan tâm đặc biệt nhằm bảo vệ kinh thành, nhất là mặt Biển Đông, trong đó có những quân cảng quan trọng như: Đề Gi, Cửa Thử và Thị Nại.

Để lập chốt quan sát từ xa, họ đã chọn điểm cao nhất trên núi Bà là Hòn Chuông. Từ đây nhìn về hướng trung tâm Đồ Bàn theo đường chim bay khoảng 15 km, nếu đi đường bộ khoảng hơn 25 km. Từ trên đỉnh cao Hòn Chuông (cao hơn 800 m so với mực nước biển), người ta xây một tháp canh bằng gạch vừa làm nơi quan sát, cảnh giới từ xa cho kinh thành, đặc biệt là mặt biển, vừa làm nơi trú ngụ của quân lính. Nếu có đội quân thủy binh của địch xuất hiện, những người lính canh trên tháp có thể phát hiện từ trên biển hàng chục hải lý và kịp thời phát tín hiệu báo động cho kinh thành chuẩn bị ứng phó.

Do vậy, di tích tháp Chăm ở Hòn Chuông hoàn toàn không phải là nơi tín ngưỡng, thờ phụng mà chỉ là vị trí quân sự của các vương triều Chăm lúc bấy giờ. Thời gian xây dựng tháp này có thể vào thế kỷ XI, XII, khi kinh đô Đồ Bàn đã đi vào ổn định.

Năm 2020, đoàn khảo sát của tỉnh Bình Định với sự tham gia của các kiến trúc sư và nhà khảo cổ của TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc khảo sát tại Hòn Chuông. Qua đó, đoàn đã có phác thảo ban đầu về ngôi tháp này như sau: “Tháp Hòn Chuông có bình đồ vuông, cạnh dài 8,5 m, cao chừng 7 m; tường tháp xây vát nghiêng vào trong, chân tháp choãi, thân tháp nhỏ dần từ đáy lên đỉnh, không có hệ thống cửa và hoàn toàn không có trang trí hoa văn như các tháp Chăm khác ở Bình Định. Phần mái của tháp bị sụp đổ; mặt phía Tây tháp bị sụp đổ khá nhiều, mặt phía Nam và phía Bắc bị mất một phần lớp gạch bên ngoài, mặt phía Đông còn tương đối nguyên vẹn phần tường, chính giữa là cửa ra vào ngôi tháp” (nguồn Bình Định Online).

Hiện nay, ngành Văn hóa tỉnh Bình Định đang đề xuất trùng tu tháp Hòn Chuông và mở đường vào đến chân tháp nhằm đưa cụm tháp này vào trong nhóm 8 cụm tháp Chăm ở Bình Định để phát triển du lịch. Các nhà nghiên cứu ở địa phương cũng đang tiếp tục tìm thêm tư liệu, nghiên cứu về tháp Chăm ở Hòn Chuông nhưng đến nay nó vẫn được xem là điều bí ẩn.

Có thể bạn quan tâm