Thể thao

Bí ẩn từ những số áo cầu thủ: "Bất tử" hay... "bức tử"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trào lưu “cất” vĩnh viễn một số áo nào đó trong đội bóng thật ra chỉ là sự bắt chước thô thiển từ vài môn thể thao khác. Đó vốn không phải là ý tưởng của bóng đá, nên cũng chẳng có gì lạ khi không ít nhà nghiên cứu bóng đá cực lực phản đối trào lưu “ngoại lai” này.
 
Ajax cất hẳn áo số 14 của Johan Cruyff và Brecia cũng không muốn ai mặc số 10 huyền thoại của Roberto Baggio. Ảnh: AFP
Rất nhiều số áo ở các CLB không còn tồn tại nữa, như AC Milan không có áo số 3 và số 6. Số 6 cũng đã không còn ở West Ham. Inter không còn số 3 và số 4. Napoli, Brescia, Honved Budapest, Legia Warsaw... không còn số 10. Ajax Amsterdam không còn số áo 14. Lý do vì quá nhiều danh thủ có nhiều công trạng và ảnh hưởng lớn dùng số áo này, và khi họ chia tay đội bóng thì số áo ấy biến mất. Như Diego Maradona, Roberto Baggio, Ferenc Puskas, Kazimierz Deyna chắc chắn không bao giờ có “truyền nhân” ở Napoli, Brescia, Honved, Legia nữa, khi các đội này bỏ hẳn áo số 10 để tôn vinh cầu thủ hay nhất trong lịch sử CLB.
Nhưng cũng có ý tưởng giữ niềm kiêu hãnh qua số áo lẫy lừng của các ngôi sao từ các CLB khác. Như nói đến M.U là phải nói đến truyền thống của những người đã mặc áo số 7, làm giới hâm mộ Old Trafford say đắm qua bao thế hệ. George Best, Bryan Robson, Eric Cantona, David Beckham, Cristiano Ronaldo! Ai được M.U trao cho chiếc áo số 7 cũng phải nhìn lại các bậc tiền bối lừng danh và cố gắng không để cho truyền thống hào hùng bị mai một. Hoặc Juventus không bao giờ bỏ đi chiếc áo số 10, vì tài năng của Roberto Baggio. Nhưng thật trái khoáy khi đội bóng nhỏ Brescia, nơi mà danh thủ này thi đấu, lại khai tử chính chiếc áo số 10 của Baggio!
Cũng có ý kiến cho rằng việc bỏ hẳn số áo của một ngôi sao lớn làm cho mọi cầu thủ sau này (chơi cùng vị trí) luôn có mặc cảm rằng họ có xuất sắc đến mấy cũng chẳng bao giờ được đánh giá tài năng một cách công bằng. Ở đây, có một sự ngược đời: trong môn bóng đá thì thế hệ sau luôn hay hơn thế hệ trước. Ai cũng thấy rõ Pele mà chơi bóng trong thời buổi này thì khó cạnh tranh nổi với các cầu thủ trung bình!
Lần đầu tiên người ta tuyên bố bỏ hẳn một số áo trong thể thao là năm 1933, khi cầu thủ Ace Bailey của đội khúc côn cầu trên băng Toronto Maple Leafs chấn thương nghiêm trọng (rạn nứt xương sọ) tại giải NHL. Ông may mắn sống sót, nhưng chẳng bao giờ thi đấu được nữa. Và Maple Leafs tuyên bố từ đó sẽ không bao giờ trao lại chiếc áo số 6 của ông cho cầu thủ khác. Nghĩa cử của Maple Leafs lan nhanh trong làng thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ, rồi sang tới châu Âu.
Cũng với ý nghĩa tương tự, CLB Man.City cất vĩnh viễn số áo 23 của Marc-Vivien Foe, tuyển thủ Cameroon đã qua đời ngay trên sân cỏ khi thi đấu ở giải Confeds Cup 2003. Ngoài Man.City thì Foe còn chơi cho CLB Lens, và Lens cũng đã bỏ hẳn chiếc áo số 17 để tưởng nhớ cầu thủ này. Espanyol bỏ vĩnh viễn chiếc áo số 21 để tưởng nhớ Daniel Jarque. Anh bị đột quỵ vào năm 2009, trong một chuyến tập huấn trước mùa bóng mới. Đội QPR ở Anh bỏ áo số 31 của Ray Jones, Wycombe bỏ áo số 14 của Mark Philo, đều vì các cầu thủ không nổi tiếng ấy đột tử trong sự thương tiếc của đồng đội.
Nhiều người hỏi cắc cớ: khi một đội bóng bỏ hẳn số áo của ngôi sao nào đó, thì việc làm ấy có khác gì... trù ẻo người hùng vốn đang còn sờ sờ ra đấy? Milan khai tử áo số 6 vì Franco Baresi. Ajax làm vậy với số áo 14 của Johan Cruyff. Khi Inter bỏ hẳn chiếc áo số 4 của Javier Zanetti, có người bình luận: nên cấm luôn các cầu thủ sau này để tóc “kiểu Zanetti”!
Hồi Argentina tham dự World Cup 2002, họ vẫn đăng ký danh sách 23 cầu thủ theo quy định, nhưng số áo thì lại lên đến 24. Vì Argentina tuyên bố không ai được mặc chiếc áo số 10 của Diego Maradona nữa. Không hề bình luận,
FIFA chỉ đưa ra hai giải pháp cho Argentina lựa chọn: đăng ký số áo đúng quy định, hoặc bỏ đi một cầu thủ nếu vẫn muốn tôn vinh chiếc áo số 10 (dĩ nhiên Argentina chọn giải pháp đầu)!
Ngũ Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm