Mặc dù phải dành tâm huyết trong suốt mấy chục năm gây dựng nên Huawei - một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, được coi là "gã khổng lồ công nghệ" không chỉ của Trung Quốc mà còn của toàn thế giới, song, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi lại là một người khá kín tiếng trước truyền thông.
Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Tập đoàn Huawei đang trở thành một trong những cái tên thu hút sự chú ý nhất hiện nay. Ông chủ Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào tầm ngắm sau khi tập đoàn này bị Mỹ cáo buộc là "công cụ do thám" của Chính phủ Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông Nhậm Chính Phi vẫn tự tin trả lời báo chí, truyền thông rằng, Mỹ đã đánh giá quá thấp Huawei và khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ không làm ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển mạng 5G của Tập đoàn.
Cuộc đời kín tiếng
Được biết đến là cha đẻ của Tập đoàn Huawei nhưng cuộc sống của Nhậm Chính Phi khá kín tiếng. Sinh năm 1944, ông Nhậm là con cả trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ông Nhậm Chính Phi đã trải qua 3 lần kết hôn nhưng điều đặc biệt là con trai, con gái của ông là Mạnh Vãn Chu (bà Mạnh đã bị bắt ở Canada vào tháng 12-2018 và đang đấu tranh chống lại việc dẫn độ sang Mỹ), Mạnh Bình và Annabel Yao đều không theo họ bố, có lẽ để "tránh sự chú ý không cần thiết" như truyền thông Trung Quốc cho hay. Năm 1963, ông Nhậm tốt nghiệp Học viện xây dựng và kiến trúc Trung Khánh.
Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Tập đoàn công nghệ Huawei. (Nguồn: TASS)
Năm 1974, ông gia nhập quân đội và được chuyển tới bộ phận kỹ thuật. Mối liên hệ này có thể khiến người ta đặt ra nghi vấn đề sợi dây giữa Huawei và Chính phủ Trung Quốc. Nhậm Chính Phi gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với tư cách là một kỹ sư trong cuộc "Cách mạng Văn hóa" của Trung Quốc khi đất nước đang bị thiếu lương thực và quần áo nghiêm trọng. Ông nói với các phóng viên: “Vào thời điểm đó, hỗn loạn gần như ở khắp mọi nơi”. Ông nhớ lại rằng vải dệt rất khan hiếm đến nỗi hầu hết mọi người hầu như không đủ để vá và sửa chữa quần áo.
Theo các trang tin, ông Nhậm được giao nhiệm vụ thành lập nhà máy hóa chất để sản xuất sợi dệt ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm đảm bảo mỗi người dân có ít nhất một bộ quần áo tươm tất. Ông và các đồng đội quân sự ngủ trong nhà tồi tàn ở nhiệt độ âm, sống bằng dưa muối trong nhiều tháng. Tuy nhiên, ông nói rằng ông rất vui vào thời điểm đó vì trong khi những người khác ở Trung Quốc bị chỉ trích vì đọc quá nhiều sách trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, thì nhà máy "có lẽ là một trong số ít nơi mà mọi người có thể đọc".
Sau khi xuất ngũ, ông làm việc vài năm tại công ty dầu trước khi thành lập Huawei năm 1987. Sự chuyển đổi thị trường của Trung Quốc đã diễn ra mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng viễn thông nghèo nàn của đất nước đã kìm hãm sự tiến bộ. Xây dựng công nghiệp trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, và 3 doanh nghiệp nhà nước gồm Great Dragon, Datang và ZTE là những công ty thống trị.
Huawei là một ngoại lệ. Nó là một công ty tư nhân ở Thâm Quyến - một làng chài vừa được chỉ định là một đặc khu kinh tế ở Trung Quốc. Nguồn vốn của Huawei không rõ ràng, thời kỳ đầu mới thành lập, Huawei đến từ doanh nghiệp được Quân đội Trung Quốc kiểm soát tại Hong Kong. Quân đội Trung Quốc cũng cung cấp các công nghệ quan trọng trong thời gian dài cho Huawei mà không cần chi trả gì.
Ông Nhậm Chính Phi được đánh giá là một người khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng. Ông đã chọn những vùng xa xôi, tấn công vào thị trường nông thôn của Trung Quốc sau đó mới "xâm lấn" ngược lại thị trấn và thành phố. Với kinh nghiệm tích lũy được từ quãng thời gian phải làm nhiều nghề để sống và những kiến thức về khoa học, kỹ thuật đã giúp ông Nhậm bắt kịp và nhìn ra những thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghệ.
Huawei bị Mỹ trừng phạt
Doanh thu hàng năm của Huawei đã tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm và hiện tại, Huawei là thương hiệu điện tử lớn nhất Trung Quốc, còn ông Nhậm được cho là sở hữu khối tài sản 3,2 tỷ USD. Mặc dù vậy, tương lai của Tập đoàn Huawei đang vô cùng bấp bênh khi bị nước Mỹ cấm vận.
(1) Ngày 16-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đưa Tập đoàn Huawei và 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào "danh sách đen" thương mại Entity List, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-5, qua đó làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian tới.
Vấn đề hệ điều hành càng thêm cấp thiết sau khi chính phủ Mỹ đưa Huawei cùng các công ty con vào danh sách đen thương mại vào giữa tháng 5 vừa qua. (Nguồn: SCMP)
(2) Ngày 19-5, hàng loạt các công ty công nghệ của Mỹ đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, sau khi sắc lệnh của Chính phủ Mỹ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông được ký và bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, các công ty Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom tuân lệnh của Chính phủ ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.
Phát triển hệ điều hành mới
Tuy nhiên, một bộ phận người dân Trung Quốc vẫn lạc quan rằng, Tập đoàn Huawei sẽ vượt qua được cơn sóng gió này và vẫn là con cưng của đất nước Trung Quốc. Tháng 3-2019, nhà sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi cho biết, Huawei đang tự phát triển hệ điều hành của riêng mình nhằm đề phòng trường hợp các công ty công nghệ Mỹ ngừng hợp tác.
Kịch bản tồi tệ đó đã xảy ra khi Google và các công ty công nghệ khác của Mỹ ngừng cấp phép sử dụng hệ điều hành Android đối với Huawei. Mặc dù dự án phát triển hệ điều hành riêng đã được tiến hành từ tận năm 2012 nhưng Huawei đã giữ rất kín các thông tin về nó và thậm chí không tiết lộ bất kỳ điều gì cho đến hiện tại. Sau khi bị Google ngừng cấp phép sử dụng Android, nhiều khả năng Huawei sẽ phải đem hệ điều hành tự phát triển này ra để cài đặt trên những chiếc smartphone của mình.
Mới đây, một số thông tin về hệ điều hành riêng của Huawei đã lộ diện. Điều đầu tiên, tên gọi của hệ điều hành này được cho là Hongmeng OS. Hongmeng hay gọi theo Hàn Việt là Hồng Mông có ý nghĩa ẩn dụ chỉ trạng thái hỗn mang trước khi vũ trụ hình thành theo thần thoại sáng tạo của Trung Quốc.
Hình ảnh giao diện rò rỉ được cho là của Hongmeng OS. (Nguồn: Tharadhol)
Một bức ảnh mới được tiết lộ trong bài thuyết trình PowerPoint tại trường Đại học Giao thông Thượng Hải cho thấy có vẻ như hệ điều hành Hongmeng này đã được sáng lập bởi một nhóm thuộc ngôi trường này từ năm 2012. Hongmeng OS cũng là một hệ điều hành mở, tối ưu hóa cho Linux, đồng nghĩa với việc Hongmeng OS sẽ có thể sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, từ smartphone cho tới máy tính.
Hiện tại, Hongmeng OS đang được thử nghiệm trên một số thiết bị của Huawei và toàn bộ thông tin chính thức vẫn được giấu kín. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là hệ điều hành này sẽ không được hỗ trợ Google Play Store và việc tự phát triển các ứng dụng riêng cũng sẽ là một thách thức rất lớn đối với Huawei.
Nhất Tuệ (ANTD.VN/Theo SCMP, SINA, TASS)