(GLO)- Cơ quan chức năng vừa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bị can Hoàng Văn Thành (SN 1972, trú thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) tại nhà tạm giữ Công an huyện Ia Grai.
Tóm tắt vụ án
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2010 cho đến năm 2012, vợ chồng ông Vũ Đức Mượt, bà Nguyễn Thị Huệ (trú thôn Kim Thành, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) có nợ bà Lưu Thị Hướng (trú phường Hoa Lư, TP. Pleiku) 102 triệu đồng. Bà Hướng đã nhiều lần đến đòi nợ nhưng đều bị vợ chồng bà Huệ từ chối. Quá bức xúc về việc này, sau cùng, bà Hướng đã tuyên bố cho Thành tất cả số nợ trên. Trưa 12-7-2015, Thành cùng nhiều đối tượng dùng xe công nông đến nhà bà Huệ. Nhóm đối tượng (có người cầm hung khí) đã xông vào lấy nhiều tài sản của nhà bà Huệ rồi chất tất cả lên xe công nông. Lúc này, Công an xã Ia Hrung nhận được tin báo đã kịp thời đến can thiệp nên các đối tượng đã trả lại toàn bộ tài sản cho gia đình bà Huệ rồi bỏ về.
Thiếu tá Phạm Chính Nghĩa dẫn chúng tôi vào nhà tạm giữ để tìm hiểu sự việc. Ảnh: N.L |
Sau một thời gian xác minh theo đơn tố cáo của vợ chồng Mượt-Huệ, vào ngày 27-5-2015, Công an huyện Ia Grai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thành để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Theo đánh giá của Cơ quan Điều tra, đây là vụ án rất phức tạp bởi có khoảng 20 đối tượng tham gia; nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự; các đối tượng có biểu hiện gây khó khăn cho quá trình điều tra, mà Thành là một ví dụ điển hình. Cụ thể, Thành đã không có mặt theo thời gian, địa điểm được cơ quan Công an yêu cầu trong giấy mời làm việc và không chấp hành yêu cầu giao nộp chiếc xe công nông đã sử dụng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Xét thấy Thành đã phạm tội nghiêm trọng do cố ý, có thể cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử nên cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can này. Chính vì vậy, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn, Công an huyện đã bắt tạm giam Thành vào ngày 11-6-2015 trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Đến 1 giờ 40 phút ngày 18-7-2015, Công an phát hiện bị can Thành lên cơn co giật nên đã đưa đi cấp cứu song không kịp.
Phản ánh trước lãnh đạo UBND tỉnh, vợ của bị can Thành là Nguyễn Thị Thanh cho rằng, ngày 11-6-2015, khi chồng bị tống đạt lệnh bắt tạm giam, gia đình có nói anh này đang bị bệnh phù thận, xin được làm đơn xin bảo lãnh tại ngoại nhưng không được Công an huyện Ia Grai chấp nhận(?).
Về vấn đề này, Thiếu tá Phạm Chính Nghĩa-Đội trưởng Đội điều tra tội phạm hình sự Công an huyện Ia Grai cho biết, khi bắt Thành, Công an đã tiến hành kiểm tra và thấy rằng, tình trạng sức khỏe của anh này đảm bảo để ở nhà tạm giữ. Ông Nghĩa cũng thừa nhận, vợ bị can có trình bày rằng chồng mình bị bệnh phù thận song lại không trình được bất cứ giấy tờ nào của cơ quan Y tế chứng minh việc này, chỉ đưa ra một biên lai mua thuốc tại một tiệm bán thuốc Đông y ở TP. Pleiku. “Chúng tôi đã giải thích, gia đình về tìm lại giấy tờ của cơ quan Y tế trước đây đã từng khám cho Thành lên nộp thì cơ quan Công an sẽ xem xét. Tuy nhiên, gần một tháng trời sau, gia đình bị can vẫn không trình được bất cứ giấy tờ gì”-Thiếu tá Nghĩa khẳng định.
Bị can chết vì bệnh lý
Làm việc với chúng tôi, điều tra viên thuộc Phòng PC45-Công an tỉnh Gia Lai cho biết, quá trình thu nhập chứng cứ xác định, khi bị bắt tạm giam, Thành được giam chung buồng với 4 bị can khác là Trần Đặng Sơn (quê Hải Phòng), Nguyễn Tiến Đức (quê Hà Nội), Rah Mah Dân (trú huyện Đức Cơ), Nguyễn Văn Sơn (trú huyện Ia Grai). Qua tìm hiểu từ những bị can trên, từ ngày bị tạm giam cho đến 22 giờ ngày 17-7-2015, Thành vẫn sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ bình thường. Khoảng thời gian từ 22 giờ ngày 17 đến 1 giờ 10 phút ngày 18-7-2015, trong lúc mọi người đang say giấc thì Thành có biểu hiện co giật, tay chân đập mạnh xuống sàn, tiểu ra quần. Mọi người trong buồng bật dậy thì phát hiện Thành đã bất tỉnh. Các thành viên nhanh chóng cùng nhau xoa bóp, lấy khăn lau rửa và thay quần áo cho Thành. Một lúc sau thì Thành tỉnh lại. Lúc này, Sơn hỏi Thành có nhận ra ai trong phòng không thì anh này trả lời rằng nhận ra hết. Sơn lại hỏi có đói không, Thành gật đầu nên Sơn đưa cho 1 bịch sữa tươi. Thành uống xong bịch sữa được chừng 5 phút thì lại lên cơn co giật. Lần này biểu hiện của Thành là miệng méo, 2 hàm răng mím chặt vào nhau, mắt trợn, tiểu và thải phân ra quần. Ngay lập tức, Đức lấy khăn nhét vào miệng Thành đề phòng tình trạng cắn lưỡi rồi tất cả cùng tri hô để cán bộ vào đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, đã quá muộn, Thành trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ 40 phút cùng ngày.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên-Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã ra các quyết định trưng cầu giám định “mô bệnh học”, trưng cầu giám định “hóa pháp”. Kết luận số 192 của Viện Pháp y Quốc gia-Bộ Y tế thể hiện, trong phủ tạng của Thành không tìm thấy độc chất. Kết luận số 46 của Trung tâm Giám định pháp y Gia Lai thể hiện, toàn bộ tử thi không có dấu vết của ngoại lực tác động. Bị can Thành chết do bệnh lý nhồi máu tim, phổi, não/do huyết khối gây huyết tắc.
Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi có buổi làm việc với Giám định viên tư pháp, bác sĩ Dương Thành Hổ, được ông cho biết, bị can Thành có mắc chứng viêm cầu thận, bệnh này nếu để lâu không chữa thì sẽ dẫn đến suy thận. Tuy nhiên, đây là bệnh thông thường, rất dễ chữa. Cũng theo bác sĩ Hổ, đối với nền y học tiên tiến trên thế giới, nhồi máu tim là một chứng rất khó chữa trị. Khi bệnh nhân lên cơn nhồi máu tim, dù được nhanh chóng đưa đi cấp cứu song tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Những người may mắn thoát khỏi “tử thần” thường là do kịp thời uống thuốc trợ tim và được chăm sóc, hồi sức với chế độ cực tốt. Ở ta, do điều kiện khám-chữa bệnh còn hạn chế nên rất khó phát hiện được người mắc chứng này. “Riêng bệnh nhân Thành, anh này không chỉ bị nhồi máu tim mà còn bị nhồi máu phổi, nhồi máu não cùng lúc “tấn công” nên dù có bác sĩ chuyên ngành xuất hiện ngay lập tức khi lên cơn cũng khó qua khỏi”-bác sĩ Hổ khẳng định.
Ngọc Linh