TN - Đất & Người

Bi, hài những… làng siêu đẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến những bản làng cheo leo heo hút phía bìa rừng của vùng núi đất đỏ Tây Nguyên ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến đằng sau những ngôi nhà xập xệ ấy là cuộc sống nghèo đói của những gia đình “vỡ kế hoạch”, cái vòng luẩn quẩn đông con-đói nghèo, khiến họ cứ mải miết bơi không điểm dừng.

Vòng quay đói nghèo

Mặt trời khuất dần sau chân núi, những đứa trẻ H’Mông xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đak Lak chơi trò đuổi bắt nô đùa dưới những vũng nước còn đọng lại ven đường. Tia nắng vàng vọt chiếu xuống những mái nhà tạm bợ thấp lè tè của người dân. Nơi đây được gọi là làng siêu đẻ.

 

Vũ Thị Song (thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) và những đứa con . Ảnh: Dạ Yến Thảo
Vũ Thị Song (thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) và những đứa con . Ảnh: Dạ Yến Thảo

Đến thôn Ea Rớt, xã Cư Pui để thấy những cô gái chưa kịp trở thành thiếu nữ đã khoác vội chiếc áo cưới, những chàng trai còn mang khăn quàng đỏ đã tay bồng, tay bế con thơ. Màn đêm buông xuống nơi đây chìm trong sự hoang vu, tĩnh mịch. Lách qua mấy mô đất lởm chởm đến nhà vợ chồng Lò Văn Dũng (sinh năm 1990) và Vũ Thị Song (sinh năm 1992) nằm lọt thỏm giữa những quả đồi. Song cùng 2 đứa con thơ đứng khép nép dưới góc nhà lạ lẫm nhìn chúng tôi. Chỉ khi cô giáo dạy mầm non trong thôn đi cùng giới thiệu là bạn cô, Song mới mở lời: Em học hết lớp 3, lấy chồng từ năm 15 tuổi. Nghỉ học không làm chi thì phải lấy chồng, đến tuổi này không lấy người ta bảo là ế. Bạn bè bằng tuổi mình đứa nào cũng có chồng có con hết rồi, trẻ con lớn một chút là lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ. Song quay qua nhìn đứa con gái tủm tỉm cười: “Mình lúc trẻ cũng trắng, đẹp gái lắm, thanh niên ai cũng mê. Từ lúc lấy chồng sớm, sinh con, lao động kiếm tiền thì phải nhanh già thôi”.

Trong ngôi nhà gỗ tạm bợ, những đứa con của vợ chồng anh Sính Mí Chá (SN 1980, thôn Ea Uôl, xã Cư Pui) đứng như xếp hàng cười khúc khích, thấy người lạ vào mấy đứa trẻ chạy loạn xạ. Anh Chá chia sẻ: Hai vợ chồng lấy nhau từ năm 1999. Năm 2000, vào Tây Nguyên lập nghiệp. Vợ đẻ 7 đứa toàn con gái, nhưng vẫn phải đẻ tiếp để có con trai nối dõi tông đường, ở vùng núi này phải đẻ được vài cậu con trai đỡ đần chuyện nương rẫy, con gái sau này nó theo chồng hết.

Ông Hồ Mậu Liên-Trưởng phòng Tư pháp huyện Krông Bông cho biết: Xã Cư Pui có 13 thôn thì trong đó có 6 thôn với hơn 7.000 dân thuộc diện di cư tự do ở các vùng núi các tỉnh phía Bắc là các thôn: Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, Ea Lang, Cư Rang, Cư Tê. Đáng buồn là người dân ở 6 thôn này luôn... đi đầu trong việc sinh con thứ 3 trở lên. Hàng năm chúng tôi đã tổ chức rất nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào để hạn chế tình trạng trên, nhưng do một số đồng bào dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào và một số đồng bào địa phương có nếp ăn, nếp nghĩ đã ăn sâu vào họ từ rất lâu rồi nên rất khó thay đổi.

Những chuyện cười ra… nước mắt

Mở cửa ngôi nhà xiêu vẹo của gia đình chị Sùng Thị Chưn (buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak), vào lúc 3 giờ chiều, 4 gương mặt con trẻ đang chụm lại trước nồi cơm nguội đã cứng ngẩng lên nhìn không có phản ứng gì. Chị Chưn (mẹ của mấy đứa trẻ) mặt khó chịu: “Gia đình tôi có 6 đứa con ngay từ nhỏ chúng đã tự theo lên làm nương rẫy, chúng nó đã tự nuôi nó được rồi chứ bố mẹ có phải nuôi đâu, nhà đông con thì làm được nhiều. Các anh chị đến khuyên bảo không được đẻ nữa à, tôi không dừng đâu, như thế là bắt ép”.

 

Chị Sùng Thị Pha (bìa trái, thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp) trước ngôi nhà tranh. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Chị Sùng Thị Pha (bìa trái, thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp) trước ngôi nhà tranh. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Dưới mái nhà ván lụp xụp, gia đình chị Sùng Thị Pha (thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp) trò chuyện rôm rả: “Ở đây bà con di cư từ tỉnh Cao Bằng vào mưu sinh, mong muốn cuộc sống tốt hơn ở ngoài kia. Nhưng đói nghèo vẫn đeo vì hầu hết bà con không biết chữ, nên ai cũng sinh đông con. Sau khi cán bộ vào hướng dẫn kế hoạch hóa gia đình mãi đến bây giờ bà con đã hiểu. Giấu nụ cười sau cánh tay, chị kể: Có lần cán bộ ở huyện vào hướng dẫn bà con cách kế hoạch hóa gia đình, bà con tập trung đông đủ, cán bộ đưa một tấm hình to có nhiều trẻ con và 2 người lớn quần áo rách rưới, sau đó cho xem tấm có 2 đứa trẻ, 2 vợ chồng ăn mặc đẹp, rồi phát cho mỗi hộ gia đình 10 cái bao cao su. Cán bộ hướng dẫn bà con cách để tránh thai, cán bộ giơ 1 ngón tay lên sau đó xỏ cái bao vào. Về nhà chồng tôi đeo cái bao đó vào tay, đi làm cũng đeo nhưng trơn quá, lại vướng không cuốc đất, vác phân được đành cởi ra. Sau đó 2 đứa con của tôi lại ra đời. Giờ thì đã biết không phải đeo vào tay-chị Pha cười bẽn lẽn.

Anh Bế Văn Long-Trưởng thôn Bình Lợi đăm chiêu: Hiện thôn Bình Lợi có hơn 300 nóc nhà, gọi là nhà nhưng chủ yếu là những lán, chòi bằng phên, chỉ có đôi ba nhà ván lợp ngói. Cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Rất nghèo khổ. Trước đây cả thôn chỉ được khoảng 4 người biết chữ, tiếng kinh nói bập bẹ nên công tác tuyên truyền, vận động bà con gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 7-2014 được Huyện Đoàn Ea Súp xây điểm trường có 6 phòng học cho trẻ được đến trường học chữ. Bây giờ gia đình nào ra huyện đã có con cái đi cùng để phiên dịch, không còn sợ sệt lầm lũi như trước đây”.

 

Đường đến điểm trường của các em nhỏ thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Đường đến điểm trường của các em nhỏ thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Dọc theo những bản làng chúng tôi qua mây mù che phủ đỉnh đồi. Đằng sau mái tranh, phên nứa ấy những đứa trẻ cứ tiếp tục ra đời. Cuộc sống trong cái vòng luẩn quẩn ấy vẫn cứ thế âm thầm trôi qua.

Bác sĩ H’Lê Niê-Trưởng phòng Dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đak Lak cho biết: “Năm 2009, toàn tỉnh có tỷ lệ sinh từ con thứ 3 trở lên là 25%, ở những vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này chiếm trên 80%. Hiện nay tỷ lệ sinh con thứ 3 vùng sâu, vùng xa có giảm nhưng không đáng kể, phương pháp thực hiện chủ yếu bằng cách tuyên truyền, vận động bằng truyền thông trực tiếp. Nhiều vùng chủ yếu là dân di cư tự do vào nên bất đồng ngôn ngữ, đường đi lại rất khó khăn mà đội ngũ cán bộ ít, để tìm được cộng tác viên dân số ở địa bàn cũng là một điều khó”.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm